.

Xin đừng ăn xổi ở thì…

Chuyện ngày Tết bao giờ cũng nhiều, nhưng nhiều và đáng giật mình nhất là cái “văn hóa” ăn xổi ở thì đang tự tung, tự tác khắp nơi nơi…

Ở Đà Nẵng, tại một số phòng trà, ly nước giải khát chủ quán tính giá 90.000 đồng, đã thế, quán còn xin thêm 20% phí phục vụ! Một số xe hàng lưu động bán đồ chơi trẻ em tại các khu vui chơi, trên các đường phố cũng nâng giá bán lên gấp rưỡi, gấp 2 so với những ngày bình thường.

Tình trạng ăn xổi cũng diễn ra nhiều nơi. Đơn cử, dịch vụ giữ xe máy ở khu du lịch Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) ngày Tết giá 15.000 đồng/chiếc; tô bún ốc 35 ngàn đồng; ly nước mía ở chùa Bà (Bình Dương) 10.000 đồng; giá vé xe từ Hà Nội về Thanh Hóa từ 65.000 đồng nhưng nhà xe thu của hành khách 90.000 đồng;

Giá cả ngày Tết tăng lên là bình thường. Thế nhưng, tăng đến mức vô cảm; tăng đến mức bất chấp mọi cơ hội nhìn trước, ngó sau; tăng đến nỗi “thượng đế” đau buồn, thì không còn là bình thường nữa.
Đọc lại tục ngữ, ca dao Việt Nam càng thêm xót xa vì sao cái sự ăn xổi, ở thì được lặp đi, lặp lại nhiều và thiên hình vạn trạng đến thế? Xin dẫn ra vài ví dụ. Qua cầu rút ván. Thừa gió bẻ măng. Ăn cháo đá bát. Khỏi vòng cong đuôi. Giậu đổ bìm leo…

Phải chăng một trong những thói xấu của người Việt là ăn xổi ở thì nên tục ngữ, ca dao nhiều đến xót xa như thế? Nếu đó là sự thật thì chúng ta phải thay đổi. Thay đổi từ gốc (dạy cho trẻ con) đến ngọn (là người lớn bây giờ). Nếu không thế thì không bao giờ có thể tạo nên được một nền văn hóa lành mạnh theo đúng nghĩa của nó.
 
Một trong những câu hỏi lớn nhất của ngành du lịch (và đang bị ngành này bỏ ngoài tai) là tại sao 75% khách du lịch nước ngoài một đi không trở lại? Có nhiều lý do nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do cách chém, chặt giá cả theo kiểu ăn xổi ở thì. Thời đại net, thời đại của sự nổi loạn về tâm lý không bao giờ dung thứ cho cách sống ấy, cách làm ấy.
 
Làm như thế là chính ta đang tự giết ta. Tại sao Hoa kiều và người Do Thái giàu vậy? Trước hết, bắt đầu từ chữ tín. Người ta sống hay kinh doanh đều tính đủ cả đường đi, lối về. Tạo nên sự an tâm, đồng thuận và sự hiểu đúng của các “thượng đế” là nguyên tắc số một của sự bền lâu về tăm tiếng, giàu có…

Hãy thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn xổi ở thì đã bám dai bám dẳng bấy lâu nay. Không chỉ là chuyện của 500 hay 1.000 đồng tăng lên bất thường - bởi số tiền đó rất nhỏ, mà đó là mặc cảm khó chịu của người tiêu dùng. Từ văn hóa tiêu dùng sang “văn hóa sống” chỉ có một bước. Một bước ấy nó nặng và dài lắm đối với cả một nền văn hóa ngàn năm văn vật…
                                                                     
TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.