.

Cả thế giới vì phụ nữ

Ngày Dân số Thế giới (11-7) năm nay với chủ đề “Đối phó với khủng hoảng kinh tế: Đầu tư cho phụ nữ là sự lựa chọn sáng suốt” nhằm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bảo vệ thu nhập của người phụ nữ, giúp con gái của họ vẫn được đi học, được tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, bao gồm kế hoạch hóa gia đình.

Đây là những yếu tố giúp tạo dựng hay có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai của mỗi gia đình. Nếu không có những hành động kịp thời dựa trên quyền được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này có thể dẫn tới suy thoái trầm trọng khiến cho tình trạng nghèo đói ngày càng tồi tệ và kéo dài trong nhiều thế hệ. Vì vậy, Ngày Dân số Thế giới năm nay tập trung vào nhóm dân số có thể đem lại thay đổi kinh tế hiệu quả nhất là phụ nữ có một ý nghĩa thiết thực như vậy.

Đầu tư vào giáo dục và sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái liên quan chặt chẽ tới việc gia tăng sản xuất, năng suất nông nghiệp và thu nhập quốc gia - tất cả đều đóng góp tới quá trình đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đầu tư từ Chính phủ ở các quốc gia trên toàn thế giới đã giúp gia tăng tỷ lệ đi học, thu hẹp sự khác biệt về giới trong giáo dục, mở rộng mạng lưới phòng chống HIV/AIDS, cải thiện sức khỏe trẻ em thông qua các chương trình tiêm chủng.

Tiến bộ cũng đã đạt được thông qua việc mở rộng phạm vi tiếp cận sức khỏe sinh sản và lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào chăm sóc tiền và hậu sản và phòng chống HIV/AIDS; gia tăng việc sử dụng phương pháp tránh thai hiện đại…

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa phá hủy những tiến bộ và nỗ lực đã đạt được trong việc nâng cao sức khỏe và giảm nghèo cho cộng đồng nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng. Cắt giảm ngân sách dành cho các chương trình phụ nữ và trẻ em sẽ tác động ngay lập tức việc giảm bớt các dịch vụ hỗ trợ, ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống phụ nữ, trẻ em gái. Đi ngược lại với những nỗ lực mà chúng ta đang có để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 5 về sức khỏe bà mẹ, có nghĩa là sẽ có nhiều thêm phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh chết vì những nguyên nhân mà đáng lẽ chúng ta có thể phòng, tránh được.

Tại Việt Nam, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010, đã đưa ra mục tiêu giảm tỷ suất chết bà mẹ xuống còn 60/100.000 ca sinh sống cho đến năm 2010; giảm 75% tỷ suất chết bà mẹ vào năm 2015. Thực tế, trong những năm qua, nhiều tiến bộ đạt được thông qua việc mở rộng phạm vi tiếp cận sức khỏe sinh sản và lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào chăm sóc trước và sau sinh. Bên cạnh đó, các phương pháp tránh thai hiện đại cũng được gia tăng; nhiều chương trình, chính sách, văn bản pháp luật về các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản được thiết lập và củng cố.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Hội LHPN thành phố đã phát động nhiều phong trào sôi nổi, phong phú, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến về chăm sóc, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, đặc biệt với phụ nữ nghèo. Các cấp Hội đã vận động phụ nữ và cộng đồng thực hành tiết kiệm xây dựng những “Mái ấm tình thương” cho những gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2009 này đã có 16 “Mái ấm tình thương” được các cấp Hội đăng ký xây dựng.

Bên cạnh đó, các mô hình tiết kiệm chi tiêu, điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, giúp vốn sản xuất kinh doanh… ở các chi, tổ Hội luôn được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Phong trào “Hũ gạo tình thương” được chị em các quận, huyện Hải Châu, Hòa Vang thực hiện gần một năm qua đã thu được hơn 6 tạ gạo và gần 4 triệu đồng, giúp cho 24 gia đình phụ nữ nghèo.

Chị em ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ tham gia phong trào tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, đã lập được 44 sổ tiết kiệm trị giá 25 triệu đồng… Đặc biệt, chính quyền thành phố đã chủ trương đầu tư nhiều công trình thiết thực và hiệu quả giúp phụ nữ như nhà ở cho phụ nữ đơn thân, bệnh viện khám chữa bệnh cho phụ nữ nghèo.

Tin chắc rằng, bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể với nhiều phương pháp vận động sáng tạo, hiệu quả, Phụ nữ Đà Nẵng đã và sẽ đồng hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của thành phố quê hương trên bước đường xây dựng, góp tiếng nói chung vào những nỗ lực của cộng đồng để tự mình vượt qua những thử thách của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực đến đời sống xã hội nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng.

THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.