.

Chọn được người xứng đáng nhất

Thông tin cho biết, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đang đề nghị Thành ủy, HĐND và UBND thành phố xem xét kế hoạch tổ chức thi tuyển cấp lãnh đạo phó GĐ sở và tương đương, nhằm tuyển chọn được những người giỏi nhất, xứng đáng nhất vào các chức vụ trên.

Trong các việc khó trên đời, chọn được người đúng việc, đúng tầm, đủ tâm cho từng vị trí lãnh đạo luôn được coi là một trong những điều khó nhất. Người xưa dạy, dụng nhân phải như dụng mộc: Chỉ cần sai một ly là “khúc gỗ” đó, tấm ván đó trở thành vô dụng trong cái việc mình cần. Chính bởi thế nên người lãnh đạo - bất kể cương vị nào, nếu chọn đúng thì lợi ích bội phần, hiệu quả công việc thấy rõ. Đòi hỏi này đặt ra rất nhiều vấn đề trong việc tuyển chọn.

Bộ máy giúp việc cho giám đốc (GĐ) sở - từ cấp phó GĐ trở xuống, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc vận hành. Không phải tự nhiên mà trên thế giới, khi có một tổng thống mới, người ta thay gần như toàn bộ ê-kíp cũ, không phải vì những người tiền nhiệm bất tài mà là vì cần phải có sự đồng thuận và thông hiểu rất cao. Nếu giỏi nhưng bất hợp tác với GĐ thì nguy cơ trì trệ, nửa vời là không thể tránh khỏi. Xuất phát từ nguyên tắc này, trong Hội đồng tuyển chọn, nhất thiết phải có vị trí của GĐ đương nhiệm. Cho dù chỉ là một lá phiếu nhưng ý kiến của vị GĐ phải được tham khảo và phải được coi là rất quan trọng.

Băn khoăn thứ hai (hay là sự bế tắc của công tác cán bộ lâu nay) là ở chỗ phải quan niệm thế nào cho đúng về hai nghĩa chuyên và hồng. Phải dứt khoát áp dụng theo nguyên tắc mà Lênin đã chỉ ra: Lòng nhiệt tình cách mạng cộng với sự kém năng lực chỉ dẫn đến phá hoại mà thôi. Vì thế, đạo đức, nhân cách, tầm vóc, vị thế của một người lãnh đạo chỉ có giá trị với xã hội khi người đó có năng lực thật sự. Nếu có một thống kê đầy đủ sẽ thấy rằng 90% những khuất tất, trì trệ, quan liêu của bộ máy hành chính hiện nay là do kém năng lực. Không thể coi trọng yếu tố “hồng” mà xem nhẹ giá trị “chuyên”.

Băn khoăn thứ ba là vấn đề tuổi tác. Căn bệnh lâu nay của nền hành chính nước ta là luôn nghi ngờ năng lực của thế hệ trẻ. Phải tự đặt ra câu hỏi rằng giới hạn tuổi tác của một ứng cử viên tổng thống là 35 tuổi thì tại sao một GĐ hay cấp phó không thể có độ tuổi thấp hơn giới hạn ấy? Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng khi K.Marx viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, ông chưa đầy 30 tuổi! Tuổi trẻ và nhiệt tình, hiểu biết là cái nền lý tưởng nhất của mạnh dạn, thay đổi. Tất nhiên, mô hình ở nhiều nước trên thế giới cũng rất đáng suy nghĩ: Người ta cứ hai năm lại thay đổi 1/3 nghị viện (trong nhiệm kỳ 6 năm) - để sự “thừa kế” hiểu biết, sự ổn định về cơ cấu và liên tục về kinh nghiệm luôn luôn được bảo đảm.

Đà Nẵng đã đi đầu và đi nhanh hơn nhiều địa phương trên cả nước về việc thi, tuyển chọn thành công cấp lãnh đạo hiệu trưởng, hiệu phó các trường THPT trở xuống cũng như cấp trưởng, phó phòng các quận, huyện. Việc sắp tới sẽ tổ chức thi tuyển cấp phó GĐ sẽ là một bước đột phá, đổi mới cần thiết nữa.

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.