.

Dân làm ngoại giao

Cách đây vài năm, Trung ương Hội Việt-Mỹ có giới thiệu với chúng tôi một nhóm các bà mẹ Mỹ. Nhóm do Tổ chức Quỹ hòa giải và phát triển Mỹ tổ chức, trong chuyến thăm Việt Nam có ghé Đà Nẵng và muốn gặp gỡ, trao đổi với một số Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chúng tôi cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội mời một số Bà mẹ Việt Nam anh hùng tham dự sự kiện này, tất nhiên chỉ có thể mời các mẹ đang sống ở Đà Nẵng, có sức khỏe và còn minh mẫn. Và không khỏi băn khoăn, các mẹ thường ít học, ít  giao tiếp (nhất là với người nước ngoài), mang trong mình nỗi đau đớn vô hạn, lòng căm thù khôn cùng sẽ trò chuyện với những người đến từ “phía bên kia” thế nào đây?

Cũng không có điều kiện trao đổi, bồi dưỡng các mẹ chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, chỉ nói với các mẹ: “Đây là những người mẹ Mỹ có thiện chí, trong đó có những bà có con tử trận ở Việt Nam. Họ muốn tìm hiểu và chia sẻ với các bà mẹ Việt Nam. Các mẹ cứ nói những tình cảm, suy nghĩ gan ruột của mình”.

Cuộc gặp diễn ra rất xúc động. Nhiều mẹ đã phát biểu rất chân chất, dân dã mà thật sâu sắc. “Chúng tôi đã mất những đứa con rứt ruột đẻ ra. Đó là những gì quý nhất của đời chúng tôi. Đau đớn này không gì có thể bù đắp được. Nhưng chúng tôi không ân hận. Các con chúng tôi có hy sinh thì đất nước mới có hòa bình, độc lập, tự do”.

“Các bà mẹ Mỹ có con chết ở Việt Nam cũng đau khổ như chúng tôi, lòng người mẹ nào cũng thế. Chúng tôi biết điều này. Chỉ mong sao đất nước chúng tôi, đất nước các bạn, thế giới này có hòa bình mãi mãi, không bao giờ có chiến tranh”.

Các bà mẹ Mỹ hỏi về cuộc sống của các bà mẹ Việt Nam bây giờ. Các mẹ vui vẻ nói: “Già rồi, ai chẳng muốn có nhiều con cháu quây quần để nương tựa. Các con của chúng tôi hy sinh, nhưng chúng tôi không cô đơn, có bà con chòm xóm, có nhiều con cháu ở các đơn vị phụng dưỡng, có Đảng, Nhà nước chăm sóc. Chúng tôi sống đầm ấm, đầy đủ. Chúng tôi cầu mong các bà mẹ Mỹ cũng có cuộc sống yên bình, đầy đủ”. Có bà còn nói vui: “Già rồi, ăn có được bao nhiêu, vài lưng chén cơm, mấy con cá con kho mặn, mấy đũa rau luộc là đủ bữa. Tiền phụ cấp chính sách còn dư”.

Nhìn hai bà mẹ Mỹ-Việt nắm chặt tay nhau, vượt qua rào cản ngôn ngữ, cả hai đều có gương mặt phúc hậu, đôi mắt ứa lệ thông cảm, tôi thầm nghĩ: Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng của chúng ta có thể đi thẳng từ cuộc sống đời thường của các mẹ hôm nay đến với những cuộc gặp gỡ, những diễn đàn quốc tế mà không cần tập huấn, đạo diễn. Bởi chuyện đời tự kể của các mẹ,  với cách nói rất thật và dung dị chính là những chân lý, những triết lý về lẽ sống và lòng mẹ, về chiến tranh và hòa bình sâu xa và sáng đẹp sẽ làm cho bạn bè bốn phương tâm phục và cảm động.

***
Trên thành phố này còn đó những hiện tượng không đẹp, làm chúng ta nhức nhối như đeo bám, chèo kéo du khách đến mức trơ tráo, ù lỳ, như chặt chém không thương tiếc và ứng xử thô lỗ với bạn bè quốc tế...

Nhưng có thể những vết đen ấy đang ít dần đi. (Mong đúng là có chiều hướng ấy). Anh chàng sinh viên Canada Joe, nói tiếng Việt như gió đã ở Việt Nam nhiều năm và đã đi nhiều vùng, cũng như cô hướng dẫn viên môn lặn biển mới đến làm việc ở Furama đều nói rằng rất thích, rất ấn tượng với nụ cười của người Đà Nẵng, nó khác lạ và rất thân thiện.

Đà Nẵng nêu khẩu hiệu chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển. Đà Nẵng phải là thành phố đầy ắp du khách và các bạn nước ngoài đến học tập và công tác, làm ăn và sinh sống, là thành phố luôn sôi nổi, phong phú các hoạt động đối ngoại.

Chính nhân dân, con người Đà Nẵng - như các Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà tôi vừa kể, những người tôi không biết rõ tên tuổi nhưng tôi thấy hiển hiện những nụ cười Đà Nẵng đầy ấn tượng - sẽ là chủ thể của hoạt động đối ngoại, sẽ làm cho bạn bè thêm hiểu biết và yêu mến Đà Nẵng, sẽ làm cho Đà Nẵng ngày càng là một thành phố thân thiện và mến khách trong lòng bạn bè.

Sức mạnh nhân dân trong chiến tranh, chúng ta đều rõ. Còn sức mạnh nhân dân trên mặt trận đối ngoại, chắc chắn là mông mênh và mạnh mẽ như nước và cũng là mềm mại, uyển chuyển như nước, có thể thẩm thấu vào mọi nơi, mọi ngóc ngách của lòng người, kể cả những nơi mà ngoại giao chính quy của Nhà nước, vì tuân thủ những lộ trình, những khuôn phép nhất định, không tác động tới. Sức mạnh của nhân dân Đà Nẵng trong hoạt động đối ngoại nhân dân đang chờ, đang cần tập hợp và phát huy.

NGUYỄN ĐÌNH

;
.
.
.
.
.