.

Lòng tự trọng

Dãy núi Hải Vân cao ngất, nơi người xưa từng gọi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, là địa giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Từ lâu, chính quyền, ngành lâm nghiệp 2 địa phương đặc biệt chú trọng đến việc phủ xanh đất trống, đồi trọc trên dãy núi này. Hàng nghìn ha đất lâm nghiệp ở cả phía Bắc, phía Nam được phủ kín bởi keo lá tràm và thông Caribê.
 
Riêng ở phía Nam, cùng với hàng trăm ha keo lá tràm, gần 400 ha thông trồng vào dịp sinh nhật Bác Hồ trong những năm 80 thế kỷ trước được đặt tên là “Rừng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Đầu những năm 2000, tại khu vực này hàng vạn cây thông, loại một người ôm không xuể, thẳng tắp nối nhau trùng điệp tạo thành khu rừng có một không hai trên phạm vi cả nước. Là người dân Đà Nẵng, ai cũng tự hào khi địa phương mình có rừng thông đẹp và quý như vậy. Du khách từ nhiều địa phương mỗi khi có dịp qua đèo Hải Vân không bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng rừng thông quý này.

Thế mà nay, rừng ở 2 phía của dãy núi Hải Vân hùng vĩ ấy có hình thái rất khác nhau. Ở phía Nam, rừng gần như bị xóa sổ. Hàng trăm ha keo lá tràm không giữ nổi trước sự tàn phá của người dân địa phương, cơ quan kiểm lâm phải thanh lý tận thu ngoài kế hoạch. Gần 400 ha thông, số ít bị gãy đổ do bão số 6 năm 2006, phần lớn bị lâm tặc tàn phá. Có khu vực sát khu dân cư cũng không thoát khỏi lưỡi cưa oan nghiệt của người dân địa phương. Tài sản quý, tốn nhiều công sức, tiền của đầu tư trồng,
chăm sóc hàng chục năm dần biến mất.

Là người dân vùng cận rừng, họ hiểu hơn ai hết giá trị của rừng thông này về phòng hộ chống sạt lở, du lịch sinh thái và giá trị rất lớn về kinh tế. Phải nói rằng, những kẻ đang tâm tàn phá rừng thông đã đánh mất lòng tự trọng của mình. Ngoài các giá trị nêu trên, đây còn là khu rừng có ý nghĩa thiêng liêng, là tình cảm của người dân Đà Nẵng đối với Bác Hồ kính yêu.
 
Thế mà một số kẻ bất chấp tất cả, vẫn tìm mọi cách chặt phá. Thời gian qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, có khi tăng cường lực lượng rất đông đảo, ngoài kiểm lâm còn có 1 trung đội dân quân tự vệ, công an, quân đội, thế mà rừng vẫn không bình yên.

Không ít người cho rằng, vì đời sống khó khăn nên một số người phải chặt gỗ thông kiếm sống. Lập luận này không thể chấp nhận được. Thử hỏi, đời sống hiện nay có khó khăn bằng hai mươi năm trước? Thế mà, trước đây, không ít gia đình chạy ăn từng bữa, nhưng không ai nghĩ đến chuyện chặt thông quý bán kiếm tiền.

Hiện tại, rừng thông ở Nam Hải Vân ước chỉ còn lại khoảng 1/4 so với hồi chưa bị tàn phá. Nhân dân cả nước sẽ nghĩ sao khi Đà Nẵng để mất rừng thông quý ở Nam Hải Vân?  Và như vậy, không có cách nào tốt hơn hiện nay là tập trung mọi nỗ lực bảo vệ những cây thông còn lại. Ngoài triển khai các biện pháp bảo vệ, có lẽ điều không kém phần quan trọng đó là đánh thức lòng tự trọng trong mỗi người dân.
 
Mỗi người dân vùng cận rừng phải biết xẩu hổ khi rừng của địa phương lân cận cũng bị bão số 6 năm 2006 tàn phá mà vẫn bạt ngàn xanh tốt, còn rừng nơi mình sinh sống trơ trọi đất đá. Cùng theo đó, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng kiểm lâm phải liên tục tự vấn: Tại sao rừng thông của mình bảo vệ dần biến mất? Rừng chỉ bình yên khi mỗi người dân vùng cận rừng và những người được giao nhiệm vụ giữ rừng cảm thấy bức xúc, cắn rứt lương tâm trước sự thật phũ phàng đó.

N.C    

;
.
.
.
.
.