.

Nhà hữu nghị, một thiết chế không thể thiếu

Những năm qua, cùng với những thành tựu đầy ấn tượng về chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu tạo cho Đà Nẵng vóc dáng một thành phố hiện đại, văn minh. Đà Nẵng cũng đã quan tâm xây dựng một số thiết chế văn hóa tầm cỡ.

Điều đáng tiếc là việc quản lý, khai thác, phát huy các thiết chế đó chưa tương xứng với vai trò, chức năng của chúng và với những đòi hỏi về tham quan, hưởng thụ đời sống văn hóa ngày càng tăng của gần một triệu nhân dân thành phố. Sự đầu tư khá lớn để xây dựng và những chi phí không nhỏ để duy tu, bảo dưỡng càng làm rõ sự lãng phí và kém hiệu quả.

Làm thế nào để Nhà biểu diễn đa năng, Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, v.v... đêm đêm đều rực sáng, hoạt động hết công suất, trở thành một địa chỉ hấp dẫn, nâng cao và làm phong phú đời sống tinh thần của người Đà Nẵng là những vấn đề cần nghiên cứu, bàn bạc, tìm hướng đi.

Đề xuất xây dựng Nhà hữu nghị - cũng có thể xem như một thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động đối ngoại - phải chăng là không hợp thời, trong bối cảnh các thiết chế văn hóa vừa bất túc vừa hữu dư này.
Nhưng rõ ràng Nhà hữu nghị là một thiết chế rất cần thiết với một thành phố hoạt động đối ngoại ngày càng phong phú, sôi động, một thành phố đô thị loại 1 đang quyết tâm chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển, phấn đấu sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực.

Chúng ta thường nói, hoạt động đối ngoại nhân dân phải hướng tới làm cho nhân dân thành phố ta có thể hiểu biết các nước trong cộng đồng quốc tế, có hiểu biết thì mới có nhận thức đúng, có bản lĩnh để chủ động đi tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Nước ta hiện có quan hệ ngoại giao với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ; có nhà hữu nghị, nhân ngày quốc khánh (và các ngày có ý nghĩa lịch sử) của các nước, cờ của nước đó sẽ tung bay trên cột cờ Nhà hữu nghị, một bản đồ nước đó với các ghi chú cần thiết về dân số, diện tích, thủ đô, v.v... được trưng bày ở vị trí trang trọng, thuận lợi cho người xem.

Với những nước có quan hệ mật thiết (vào những thời điểm nhất định) có thể có các hoạt động bổ trợ như chiếu phim (băng, đĩa), nói chuyện, báo cáo; tọa đàm, hội thảo, gặp mặt, mít-tinh, triển lãm; biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa, v.v...

Có Nhà hữu nghị, chúng ta sẽ mời (tổ chức để) các bạn quốc tế (đang có mặt ở Đà Nẵng hoặc ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, kể cả ở nước bạn) có kế hoạch giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa của nước mình.

Chẳng hạn chúng ta có thể công bố một lịch giới thiệu món ngon các nước (văn hóa ẩm thực). Ai muốn học có thể nộp một khoản tiền dịch vụ sẽ được tham gia thực hành và thưởng thức. Ai quan tâm thì sẽ nhận được giấy mời (rộng rãi) đến xem.

Chúng ta sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các bạn nước ngoài nếu muốn, có thể có không gian hoạt động quảng bá đất nước mình (tất nhiên việc đầu tư xây cất những đơn nguyên làm cho từng nước phải bảo đảm quy hoạch chung).

Nhà hữu nghị sẽ phấn đấu để là nơi diễn ra ngày càng nhiều các cuộc gặp gỡ, giao lưu song phương và đa phương. Những cuộc giao lưu sẽ tăng thêm hiểu biết, yêu quý nhau, đi tới những hợp tác, chia sẻ và có khi còn hướng tới những hiệu quả cụ thể trong các dự tính về du lịch, du học, tìm việc làm ở xứ bạn, v.v...; tổ chức tốt giao lưu và kích cầu giao lưu phải là hoạt động thường xuyên của Nhà hữu nghị.

Chắc chắn Nhà hữu nghị không thiếu việc làm và sẽ được rất nhiều người quan tâm, cộng tác. Vấn đề là chúng ta có thể dành cho thiết chế này một sự đầu tư nhất định để xây dựng, và những khoản kinh phí để mở ra các hoạt động (sau một thời gian nó phải được duy trì bằng các nguồn tài trợ và thu từ dịch vụ).

Quan trọng hơn cả là chúng ta có thể bố trí, hình thành một đội ngũ cán bộ, viên chức có nhiệt huyết đối với các hoạt động văn hóa-hữu nghị và có trình độ chuyên nghiệp để quản lý, phát huy thiết chế này không?

Ngày 24-6-2009, trong buổi làm việc chuẩn bị cho Đại hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Thường trực Thường vụ Thành ủy đã nhất trí với đề xuất xây dựng Nhà hữu nghị và giao cho UBND thành phố lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà hữu nghị.

Một công trình văn hóa-hữu nghị, một việc lớn đã khởi động. Mong và tin rằng thiết chế này sẽ được xây dựng kịp với và ngang tầm với một thành phố đang đầy quyết tâm chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.