.

Phải gần gũi ngư dân hơn!

Một trong những vấn đề “nóng” nhất trong cuộc họp của HĐND thành phố Đà Nẵng sáng ngày 8-7-2009 là vấn đề tàu cá nằm bờ - hay là chính sách toàn diện, cụ thể, hiệu quả trong việc phát triển nghề biển, hỗ trợ để ổn định đời sống của hàng vạn ngư dân.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đặt câu hỏi rằng nếu chính quyền hỗ trợ thì ngư dân có khả năng đi xa không? Có đủ sức để hoàn lại vốn hay không? Đây có lẽ là hai câu hỏi khó nhất vì muốn ngư dân đi xa được trên biển thì đất liền phải gần biển hơn. Báo chí cho biết có đến 80% tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ vì lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc.
 
Thế nhưng, ông Trần Văn Hào, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho rằng thông tin đó là không chính xác. Ông Hào còn khẳng định rằng “Ngay sáng nay (8-7) chỉ có 152 tàu nằm bờ (Vietnamnet, 8-7), tức là chưa đến 5%(!)? Nếu số liệu trên là đúng thì quả là điều rất đáng mừng. Nhưng nếu sai thì sao? Nó sẽ làm cho chúng ta không có được một đối sách thích hợp vì quan liêu hóa thực tế cuộc sống luôn là sự khởi đầu cho những điều bất cập của chính sách, biện pháp. Tất nhiên, Đà Nẵng trong thời gian qua đã bỏ ra hàng tỷ đồng để hỗ trợ phương tiện thông tin cho ngư dân. Ngư dân cần nhiều hơn thế: Công tác tuần tra, cứu hộ phải được thực hiện thường xuyên hơn, mức độ và số lượng phải được tăng cường hơn.

Một thực trạng nữa cũng cần phải giải quyết  là  việc  đào  tạo lao động nghề biển. Tại  sao  địa  phương  đề  nghị  mà Bộ NN&PTNT lại không cho phép mở trường trong khi địa phương chỉ tự cung cấp được 20% lao động cho nghề này? Điều oái oăm hơn nữa là một khoa đào tạo đã được “tổ chức” trong trường… lương thực!? Cách quan niệm về đào tạo như thế chẳng trách gì làm chẳng đi đôi với học bao giờ.

Trường lương thực thì lấy đâu ra phương tiện để giảng dạy? Chẳng lẽ dùng những giáo cụ trực quan dạy trồng lúa để dạy cho ngư dân về nghề biển sao? Đại biểu Nguyễn Thị Anh Đào đã nói rất đúng rằng phải có một chính sách đồng bộ về đóng tàu, đào tạo nghề, bảo đảm an toàn, cho vay vốn, chế biến thủy sản, xuất khẩu, thì mới tạo nên được bước đột phá trong nghề biển của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung.

Ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn và họ đang phải vật lộn với cuộc sống từng ngày. Kinh tế toàn cầu suy thoái, sự bất an và nguy hiểm trên biển, giá xăng dầu tăng liên tục, mùa mưa bão đang đến gần… Do đó, sự hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc cần phải được thực tế hóa càng nhanh càng tốt. Đây là nhiệm vụ của chính quyền và của toàn xã hội. Hai mảng quan trọng nhất của an ninh lương thực-thực phẩm, ổn định xã hội là nghề trồng lúa và nghề biển lâu nay chưa được chú trọng đúng mức vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại sao chúng ta đã thấy và thấy rõ nhưng lại chưa làm để thay đổi một cách mạnh mẽ?

Phải quan tâm đầu tư cho nghề biển, cụ thể và hiệu quả hơn nữa không chỉ là đòi hỏi của ngư dân mà còn là yêu cầu bức bách của cả nước. Biển cả có rất nhiều sóng ngầm, bão tố. Đứng trên bờ có khi không hiểu hết… Cán bộ các cấp lãnh đạo đã thực sự bám biển với ngư dân, cùng đồng cam cộng khổ với ngư dân hay chưa?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.