Khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm toàn cầu gây ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận, nhất là đối với những nhà xuất nhập khẩu. Tuy nhiên có những tổn thất, đôi khi rất lớn và diễn ra trên diện rộng, lại không phải do tác nhân từ bên ngoài mà chủ yếu do chính chúng ta tự làm khó mình.
Câu chuyện thứ nhất: Thông tin gần đây cho thấy, hiện giá xuất khẩu cà-phê Việt Nam ra thị trường thế giới đang rớt ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh thua lỗ nặng nề. Sơ bộ với mỗi tấn cà-phê chưa kịp xuất, doanh nghiệp lỗ gần 100 USD, nếu chỉ tính riêng các hợp đồng đến hạn chốt giá trong tháng 7-2009 khoảng 180.000 tấn (chiếm khoảng 20% sản lượng niên vụ cà-phê 2009) thì mức lỗ đã lên đến hàng chục triệu USD.
Nguyên nhân tình trạng này được ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê, ca cao Việt Nam (VICOFA) khẳng định chủ yếu không vì quan hệ cung cầu mà do tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường và doanh nghiệp của ta “rất thiếu đoàn kết”. Các quỹ đầu cơ nước ngoài trên sàn cà-phê (London và New York) liên tục dùng kỹ xảo tung tin bóp méo giá cả, có thời điểm họ chủ động phối hợp ngừng mua để dìm giá xuống thấp, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thường bị rơi “vào tròng” là do hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, mỗi khi nghe tin giá lên thì mạnh ai nấy đua nhau mua vào để đầu cơ tích trữ, nhưng khi giá xuống thì buộc phải bán ra để cắt lỗ.
Câu chuyện khác về con cá tra - ba sa nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long, khi ra ngoài nước thì thường bị các đối tác o ép, tìm mọi cách làm giảm uy tín, nhưng ở trong nước cũng có nhiều kẻ đội lốt doanh nghiệp gây lũng đoạn, phá rối thị trường. Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra - ba sa nhưng gần như mạnh ai nấy làm, tranh mua tranh bán, có khi cùng một sản phẩm xuất khẩu như nhau nhưng mức giá chào của các doanh nghiệp ta tại cùng thị trường chênh nhau đến 4 lần (?), gây thiệt hại lớn cho cả người nông dân và doanh nghiệp, trên hết làm tổn thất nguồn lợi chung của đất nước.
“Buôn có bạn, bán có phường”. Câu châm ngôn ngày xưa ông bà ta để lại có lẽ vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi của nó. Thực trạng hiện nay là có rất nhiều hiệp hội, đại diện cho nhiều ngành nghề kinh tế chủ chốt, nhưng nhiều khi vẫn còn hiện tượng gà nhà đá nhau, bằng mặt không bằng lòng, chưa gạt bỏ hết lợi ích cục bộ ngắn hạn để cùng hướng đến lợi ích chung lâu dài. Đó là chưa kể một số cá nhân lợi dụng uy tín hiệp hội để bám giữ vinh danh chức quyền, tranh thủ lợi ích riêng, gây mất đoàn kết nội bộ.
Sự liên kết tự bản thân nó phải dựa trên những mục tiêu, tôn chỉ hoạt động công khai, minh bạch, bảo đảm cho sự đồng thuận cao là các cam kết đạo lý và pháp lý rõ ràng, quy định trách nhiệm và quyền lợi cụ thể của các bên tham gia. Hiện vẫn còn quan niệm và tư duy sai lệch về chức năng của hiệp hội và người lãnh đạo hiệp hội, xem đó tựa như một đơn vị quản lý Nhà nước, có quyền đơn phương ra quyết định mà chưa tính đến nguyện vọng chính đáng của các thành viên.
Đây cũng chính là lý do làm mất uy tín, vô hiệu hóa dần uy lực hiệp hội, dễ dẫn đến tình trạng hữu danh vô thực, thậm chí khuyến khích doanh nghiệp tự tìm đến những hiệp hội nặc danh hoặc đứng ra tổ chức cộng đồng riêng cho chính mình. Ngoài ra, những hình thức liên kết khác như “Mô hình 4 nhà”, HTX SXKD tổng hợp, Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất và doanh nghiệp... vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trên phạm vi rộng.
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp, chú trọng hơn nữa đến chiến lược quản trị kinh doanh và rủi ro, chăm lo xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực một cách căn cơ bài bản, hơn ai hết, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, lựa chọn cho mình một “Mái ấm cộng đồng”, xem đó như là lẽ sống, là điểm tựa đòn bẩy cực kỳ quan trọng trong suốt hành trình làm ăn lâu dài, hội nhập vào thế giới cạnh tranh đầy cạm bẫy.
Tất nhiên, tự bản thân nỗ lực của doanh nghiệp vẫn chưa đủ. Nhà nước cần có biện pháp tổ chức hợp lý, có chính sách huy động các nguồn lực hình thành nên “binh chủng tổng hợp”, lôi cuốn sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp trong nước, tham tán thương mại, đại sứ quán, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, Hội Việt kiều yêu nước, những người nước ngoài có thiện cảm thực sự với đất nước...
Đây chính là bệ phóng vô cùng quý, hỗ trợ cung cấp, sàng lọc thông tin, che chắn rủi ro, mở rộng quan hệ làm ăn đa dạng nơi xứ người. Khi cần thiết phải chọn phương án bắt tay với hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chấp nhận chia sẻ thị phần và lợi nhuận, tôn trọng “luật chơi” nước sở tại, qua đó giảm thiểu được nguy cơ cạnh tranh không cân sức, giúp doanh nghiệp Việt Nam trụ vững trên con đường làm giàu cho mình và cho đất nước.
Thiết nghĩ, điều đáng quan tâm lúc này không phải là chờ khủng hoảng qua đi, hoặc than vãn trước những thách thức liên tục của tiến trình toàn cầu hóa, mà ngay từ bây giờ nên tập trung rút kinh nghiệm, tự chỉnh đốn cung cách hợp tác kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, chủ động vượt qua khó khăn trước mắt, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cạnh tranh và thích nghi trong mọi tình huống có thể.
PHÚC VINH
.
.
Tự làm yếu mình?
Thứ Ba, 14/07/2009, 14:45 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.