.

Bão lũ dồn dập

“Lúc 7 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão Megi trên khu vực phía Đông biển Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 16…”. Những thông tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên sóng truyền hình làm nhói lòng biết bao người đang hướng về miền Trung. Bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tối 18-10 cũng kéo dài hơn thường lệ do thông tin bão lũ chiếm 1/2 chương trình.

Cả nước đang hướng về miền Trung và hồi hộp dõi theo đường đi của bão Megi, bởi thêm một siêu bão đổ ập vào ngay thời điểm này thì khu vực Bắc miền Trung sẽ khó thể oằn mình chống chọi nổi. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng vừa chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão kinh hoàng (bão số 9 và số 11) vào năm ngoái thì nay lại đối mặt với siêu bão mới. Những khuôn mặt hốc hác, những ánh mắt vô hồn vì mệt mỏi và kiệt sức; những cánh tay chới với cố ngoi lên kêu cứu; những dáng người run rẩy trên những chiếc thuyền, ca-nô nhận cứu trợ; những nóc nhà tranh ngập giữa biển nước; những giọt nước mắt lăn dài khi nghĩ đến sự trắng tay và không biết cuộc sống trong những ngày sắp tới ra sao… Hàng loạt hình ảnh của miền Trung vốn không xa lạ vào mỗi mùa bão lũ nhưng vẫn làm hàng triệu triệu người trên mảnh đất Việt Nam này thấy xót xa. Trận lũ vừa xảy ra trước đó đã cuốn trôi tất cả, nay lại thêm trận lũ nữa khiến người dân vùng Bắc miền Trung không kịp trở tay. Cái đói, cái rét giữa dòng nước lũ lịch sử đang bao vây miền Trung khi lũ chồng lên lũ.

Với 2 đợt lũ, 137 người đã chết và mất tích, tổng thiệt hại lên đến 4.000-5.000 tỷ đồng, 21 xã bị ngập sâu, trong đó có 9 xã bị cô lập… Rồi còn nỗi đau của gia đình 19 hành khách thiệt mạng trong chuyến xe định mệnh bị lũ cuốn trôi trên quốc lộ 1A xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nước sông Lam rút dần nhưng nỗi đau của những gia đình có thân nhân thiệt mạng và cả sự mất mát của những phận người mong manh đang chống chọi với sự sống giữa biển nước không thể nào đong đếm hết được. Đó là chưa kể đến sức tàn phá của bão Megi nếu đổ vào miền Trung.

Và như những mùa mưa lũ trước, trong bao mất mát, tang thương lại bừng sáng lên sự ấm áp của tình người. Đây là truyền thống đạo lý nhường cơm sẻ áo từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bao giờ cũng vậy, nỗi đau thương của miền Trung cũng là nỗi đau chung của cả nước. Chính phủ, các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân cũng xắn tay vào cuộc với sự huy động tổng lực. Nhiều cuộc họp khẩn đã diễn ra với chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ: Không để dân đói, rét và nỗ lực tìm kiếm người mất tích.
 
Câu chuyện về một nữ sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh - nơi chưa hề biết đến bão lũ - đã lên đường có mặt ngay rốn lũ Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), lặng lẽ dầm mình giữa mưa núi hong sách cho các em học sinh, giặt giũ, dọn bùn non… là minh chứng sống động nhất về truyền thống của dân tộc. Ngay chính các địa phương đang gồng mình với lũ cũng phát động phong trào tương thân, tương ái, để người dân vùng lũ giúp đỡ, sẻ chia với nhau. Rồi cả cộng đồng đang chung tay hướng về miền Trung để giúp người dân Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh có cái ăn, cái mặc, vượt qua khó khăn trước thiên tai.

Vấn đề đặt ra lúc này ngoài việc làm sao không để xảy ra cái đói, cái rét mà còn phải giúp dân đối phó với bão Megi, đồng thời công tác hậu bão lũ cũng phải được chuẩn bị. Bởi lẽ, sau bão lũ là ổn định cuộc sống, nhà cửa, đối phó dịch bệnh...
 
Miền Trung năm nào cũng hứng chịu bão lũ, nhưng chiến lược phòng lũ, hay giải pháp phòng, chống lũ một cách khoa học, hiện đại để giảm đến mức thấp nhất tổn thất, thiệt hại vẫn chưa được xây dựng và phổ biến rộng rãi. Đây chính là biện pháp căn cơ, bền vững, đảm bảo sống chung với lũ mà vẫn an toàn về người và của. 

Tú Phương
;
.
.
.
.
.