.

Dân vận và hành động

Ngay sau khi bế mạc Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, hàng loạt những hành động của lãnh đạo thành phố đã diễn ra, mà trong đó chủ yếu giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân.
 
Đó là việc Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh làm việc với Bệnh viện Phụ nữ thành phố để đưa ra những chính sách mới ưu tiên cho phụ nữ nghèo khi khám, chữa bệnh tại cơ sở này; là việc Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ký ban hành quyết định quy định thời gian thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất với việc rút ngắn và cụ thể hóa thời gian thực hiện quy trình này ở các cơ quan, đơn vị liên quan; ban hành quyết định nhằm đẩy mạnh việc tiếp xúc với công dân của lãnh đạo thành phố; là việc các đồng chí có trách nhiệm đã tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để ngồi lại cùng xem xét những nội dung khiếu kiện dài ngày của công dân (mặc dù đã có những quyết định cuối cùng từ Trung ương đến địa phương)…

Đó là cách để thể hiện tinh thần dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” bằng hành động cụ thể của đội ngũ cán bộ thành phố. Bởi trong 4 bài học được rút ra từ Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, thì “Bài học thứ nhất là phải dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; phát huy sức mạnh đồng thuận của nhân dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, tất cả vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Đó là bài học đầu tiên và muôn thuở, là bài học của mọi lúc và mọi nơi, là bài học lớn và sâu sắc nhất của Đảng bộ chúng ta trong suốt chặng đường vừa qua”.
 
Hành động đó của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đã tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong việc thực hiện công tác dân vận. Đó cũng là cách làm quyết liệt, năng động đã thể hiện từ trước đến nay trong quá trình phát triển của thành phố để tạo nên những kết quả thiết thực nhất, quan hệ chặt chẽ đến đời sống của từng người dân nhất, để hướng đến mục tiêu cao nhất trong công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị là tạo lập và phát huy sức mạnh đồng thuận trong nhân dân.

Những hành động đó cũng cho thấy, công tác dân vận không chỉ gói gọn lại trong một vài bộ phận cơ quan, đơn vị hay địa phương nào; không bó hẹp trên một số lĩnh vực nào đó… mà được trải rộng trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội đến an ninh - quốc phòng; từ mỗi chủ trương, chính sách đến từng hành động dù nhỏ nhất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ với nhân dân. Mặc dù nội dung này đã được thể hiện trong “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” do Ban Thường vụ Thành ủy ban hành, xác định nhiệm vụ trong công tác dân vận của từng tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị… nhưng việc nhận thức và hành động đúng đắn vẫn còn là việc cần tiếp tục đẩy mạnh để công tác dân vận đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Những hành động đó cũng thể hiện, từ việc xây dựng các chủ trương, chính sách về công tác dân vận đến việc triển khai thực hiện cần xuyên suốt, tạo sự nhất quán trong hệ thống chính trị để xây dựng lòng tin trong nhân dân. Bởi trên thực tế, việc thiếu một “mắc xích” trong quy trình đó, từ việc thiếu các chủ trương, chính sách kịp thời, đúng đắn hoặc thiếu một hành vi, cử chỉ văn minh, tôn trọng dân trong giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức thừa hành nhiệm vụ, thì lòng tin đó cũng có thể vơi đi ít nhiều.

Chính vì thế, dân vận là hành động; với mục tiêu cao cả là tạo lập và phát huy sức mạnh đồng thuận trong nhân dân, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa “Ý Đảng, lòng dân”... nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra trong quá trình phát triển.

Anh Quân
;
.
.
.
.
.