Từ trước đến nay, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, là nền tảng để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh-quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn xứng tầm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH-HĐH đất nước. Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X, Nghị quyết 26- NQ/TW về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành ngày 5-8-2008 đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với giai cấp nông dân, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của nông nghiệp, nông thôn.
Đối với thành phố Đà Nẵng, nông thôn chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang với 118 thôn của 11 xã, dân số hơn 100 nghìn người; sản xuất nông nghiệp trên phạm vi gần 5.000ha đất canh tác. Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, thành phố đã đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này với mục tiêu đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Minh chứng rõ nét nhất là chỉ vài năm trở lại đây, gần chục tuyến giao thông ở khu vực nông thôn được nâng cấp và mở mới, nhiều cây cầu quy mô lớn được xây dựng, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Việc xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, cơ sở hạ tầng hoàn thiện.
Người nông dân được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện tối đa về mọi mặt để phát triển kinh tế và tiếp cận các giá trị văn hóa. Họ không chỉ được trang bị trình độ khoa học kỹ thuật mà còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vốn liếng, hưởng lợi từ các dự án phát triển kinh tế vùng nông thôn miền núi. Đối với nông nghiệp, có thể nói, chưa khi nào ngành kinh tế này được đầu tư cơ bản như 2 năm vừa qua. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chủ trương miễn thủy lợi phí.
Hệ thống thủy nông được đầu tư xây dựng cơ bản. Hàng loạt dự án phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị đã và đang triển khai, trong đó đáng kể nhất là Dự án sản xuất rau an toàn, tổng vốn đầu tư 66 tỷ đồng, sẽ tạo nên vành đai xanh quanh thành phố... Từ đó, đời sống nông dân nâng lên đáng kể. Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 12,4 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2006. Bộ mặt nông thôn đổi thay nhanh chóng, hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng cơ bản, đồng bộ, 100% hộ dùng điện lưới quốc gia, gần 100% hộ có nhà ở kiên cố. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng phục vụ đô thị và du lịch, nhiều cánh đồng chuyên canh thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm đã hình thành, chăn nuôi quy mô lớn khá phổ biến.
Phải nói rằng, ít địa phương nào trên phạm vi cả nước, nông nghiệp, nông thôn được đầu tư cơ bản như ở Đà Nẵng, ít nơi nào người nông dân nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả như ở Đà Nẵng. Hộ nông dân nghèo không chỉ được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất chăn nuôi mà còn được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống sử dụng nước sạch, tặng bảo hiểm y tế... Và cũng ít địa phương nào người nông dân có cơ hội làm giàu như ở Đà Nẵng, khi tiềm năng về thị trường nông sản rất phong phú, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn hoàn thiện, sự hỗ trợ từ thành phố luôn kịp thời và hiệu quả.
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, mặc dù được đầu tư cơ bản, nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Đà Nẵng chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng sẵn có. Hiện tại, chưa địa phương nào đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới, chỉ có 1 xã (Hòa Tiến) đạt 14/19 tiêu chí, số còn lại chỉ đạt từ 7-13 tiêu chí. Đời sống nông dân, tuy đã có cải thiện, song so khu vực đô thị còn kém xa, ít hộ có bước đột phá trong sản xuất kinh doanh quy mô lớn, thu nhập cao.
Về nông nghiệp chưa tạo bước chuyển biến đáng kể về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nếu như không muốn nói đang thua kém các địa phương trong khu vực. Và như vậy, chương trình “tam nông” cần phải đẩy mạnh hơn nữa, trong đó, người nông dân là chủ thể đóng vai trò quyết định. Bên cạnh sự đầu tư kịp thời hiệu quả từ trên, các cấp Hội Nông dân cần có các chương trình hành động khả thi giúp nông dân đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp tiên tiến, để từ đó nâng cao đời sống cho chính họ.
NGUYỄN CẦU