Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang vượt ngưỡng 3.000 trường hợp mắc, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đã xuất hiện ca tử vong. Ấy thế, trong khi ngành Y tế và các địa phương như “ngồi trên đống lửa”, nỗ lực tối đa để dập dịch, thì ở một số khu dân cư tuy đã xuất hiện hàng chục bệnh nhân, nhưng không ít người dân lại xem như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ở bệnh viện các quận Hải Châu, Sơn Trà đang quá tải nghiêm trọng vì bệnh nhân liên tục tăng. Nhiều trẻ em và cả người lớn xuất hiện bệnh ngày càng nặng, phải chuyển lên tuyến trên để điều trị trong điều kiện sức khỏe suy kiệt nặng. Cảnh tượng 2-3 bệnh nhân sốt xuất huyết cùng nằm một giường đã gây ra nhiều áp lực cho cả người làm công tác chống dịch lẫn bác sĩ thu dung điều trị.
Phải chăng, sự đủng đỉnh, thờ ơ của người dân bắt nguồn từ ý thức cho rằng sốt xuất huyết là bệnh lành và tỷ lệ tử vong thấp? Hay cũng có tư tưởng cho việc chống dịch, phòng dịch chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế, còn người dân ngoài cuộc. Một cán bộ có trách nhiệm trong công tác phòng dịch cho hay, ở một số tổ dân phố khi ông xuống kiểm tra, không ít người dân lại tỏ thái độ không hợp tác, có người còn xua đuổi vì cán bộ y tế tự tiện đến nhà lục tìm, điều tra… muỗi gây bệnh trong những chậu cá cảnh. Nhưng điều đáng lo hơn, nhiều địa phương chưa chủ công phát động người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi gây bệnh. Có nơi chỉ làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi, làm lấy lệ để khỏi bị phê bình.
Trên thực tế, sau khi UBND thành phố có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế đã dốc toàn lực triển khai những đợt phun hóa chất và phối hợp với các đơn vị phòng chống dịch triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Bước đầu dịch bệnh đã tạm lắng xuống. Tuy vậy, ngay khi bắt đầu mùa mưa, dịch bệnh lại tăng nhanh. Mặc dù thành phố chưa công bố dịch bệnh bùng phát, nhưng tại nhiều địa phương có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đang điều trị.
Năm ngoái, dịch cúm A/H1N1 khi lây lan đến thành phố Đà Nẵng khiến nhiều người lo lắng nhưng được khống chế kịp thời và hiệu quả. Là một bệnh nguy hiểm, khả năng tử vong cao và bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh nhưng trên địa bàn thành phố không có dịch bệnh xảy ra nhờ công tác chống dịch được nhiều người dân coi trọng. Nói vậy để thấy rằng, chống dịch là chống giặc. Và, người dân cần xem dịch bệnh như một loại giặc có thể gây chết người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, đến kinh tế-xã hội của địa phương một khi dịch bệnh bùng phát do chủ quan, xem nhẹ. Chuyện diệt con lăng quăng để không phát sinh muỗi gây bệnh là chuyện rất đơn giản, dễ làm nhưng hiện tại có mấy ai để ý thực hiện.
Việt Dũng