Tháng 3-1975 - tháng 4-2011: Thời gian đã đi qua 36 năm, tương đương với 7 kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của đất nước cũng như từng địa phương. Còn nhiều việc chúng ta chưa làm được so với tiềm lực, khả năng của đất nước do những rào cản từ bên trong cũng như bên ngoài. Có cái do yếu kém chủ quan, có cái do các tác động tiêu cực trong quan hệ quốc tế sau chiến tranh...
Vì vậy, đến nay, chúng ta vẫn đứng ở mức “nước có thu nhập trung bình thấp” với khoảng ngoài 1.000 USD trên đầu người. Mức phấn đấu lên 3.000 USD khi trở thành nước công nghiệp trong năm mười năm nữa là chặng đường khá cam go... Nhưng, thay đổi về số lượng đôi khi che khuất những giá trị khác về mặt chất lượng. Hãy quay lại với những câu chuyện về giao thông chẳng hạn, để thấy rõ bản chất của vấn đề.
Trong toàn cảnh đó, trên địa bàn miền Trung có sự thay đổi kỳ diệu về hạ tầng giao thông. Đó chính là đòn bẩy cho các mối giao lưu liên kết về kinh tế, văn hóa thuận lợi trong những năm đến. Có thể thấy rõ điều này khi mà các sân bay từ Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát đã được đưa vào sử dụng và đầu tư nâng cấp nhanh chóng. Các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Áng... đã kết nối với những cửa khẩu Lao Bảo, Bờ Y, Đắc Ốc, Cầu Treo nhờ hệ thống giao thông đường bộ gồm các nhánh AH (ASEAN Highway) trên hành lang kinh tế Đông Tây, các hầm đường bộ qua các đèo và đặc biệt là đường Hồ Chí Minh được đầu tư đồng bộ. Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ vận chuyển đường sắt cũng đóng vai trò quan trọng, tạo ra sự đồng bộ trong giao thông, vận chuyển của khu vực.
Những thay đổi nhanh chóng của thành phố Đà Nẵng về hạ tầng giao thông vận tải, giao thông đô thị đã đóng góp vai trò thúc đẩy mang tính động lực trong quá trình phát triển đó. Từ hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, đường Liên Á, quốc lộ 14B, Cảng Tiên Sa, hệ thống cầu qua sông Hàn và hệ thống đường giao thông rộng thoáng nội thị kết nối ven biển đã mở ra nhiều hướng phát triển không gian đô thị khác và cả các hướng liên kết vùng.
Giao thông hiện đại đang giúp Đà Nẵng có đủ điều kiện thỏa mãn các nhu cầu phát triển trong nhiều năm tới. Trong đó phải kể đến Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi dài 139,52km có tổng mức đầu tư gần 28.000 tỷ đồng sẽ được khởi công vào cuối quý 4-2011, hoàn thành trong năm 2016 sau khi đã giải quyết xong bài toán về vốn, góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng. Dự án cầu Rồng với 6 làn xe nối sân bay Đà Nẵng ra biển và Hội An vừa thi công xong phần hạ bộ cũng là một dấu ấn quan trọng về hạ tầng lẫn công nghệ tiên tiến. Với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, có thể trong một hai năm tới đây sẽ là một biểu tượng mới của Đà Nẵng trên đường hướng biển theo nghĩa rộng của từ này...
Sự thay đổi nhanh chóng hạ tầng giao thông đó, bên cạnh niềm hy vọng còn đặt ra cho chúng ta những mối lo âu khác. Lo âu về vận hành, quản lý, bảo dưỡng sao cho hiệu quả để đồng vốn đầu tư thật sự tạo ra động lực cho phát triển. Cả những việc như có một quy trình phân luồng đặt trên kết quả nghiên cứu tiên tiến về điều khiển học; hệ thống thu phí, kiểm tra giao thông hiệu quả mà đơn giản, không gây phiền hà do tiến bộ của kỹ thuật số đem lại cũng cần được tính trước trong đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực. Nhưng bài toán khó muôn thuở vẫn là vấn đề văn hóa giao thông. Nó là kết quả của ý thức văn hóa và là hậu quả của mối tương tác giữa quản lý với thái độ tham gia giao thông của cư dân. Nói gọn lại đó là tinh thần thượng tôn pháp luật từ nhiều phía, người dân lẫn nhà quản lý, nhân viên thi hành luật pháp giao thông...
Tóm lại, từ những thay đổi kỳ diệu về hạ tầng giao thông như ta đã thấy, vẫn còn đó những băn khoăn về một văn hóa giao thông. Người lái xe đẹp đi trên những con đường hiện đại không thể phun nước bọt, ném tàn thuốc vô tội vạ, chạy lấn làn đường, quay đầu và đậu đỗ phương tiện bất cứ ở đâu. Người đi bộ trên một lề đường có cây xanh và mái che không thể ưng ném rác ở đâu cũng được. Người quản lý giao thông, thu phí cầu đường không thể vì thiếu ý thức, phạt vô cớ mà tạo ra ách tắc; nhà quản lý không thể thay đổi xoành xoạch việc phân luồng hay thiếu bảng hướng dẫn giao thông một cách dễ hiểu và hợp lý nhất tại các nơi giao nhau của các tuyến... Chính văn hóa giao thông góp phần tạo ra diện mạo văn minh của mỗi địa bàn dân cư và đô thị; chứ không phải riêng những thành tựu về đầu tư vật chất.
NGUYỄN SÔNG HÀN