Năm 2011 được Liên Hợp Quốc chọn là Năm Quốc tế về rừng với chủ đề “Rừng-Giá trị của cuộc sống”. Cùng với Ngày Quốc tế về Môi trường 5-6 vừa qua, chủ đề này được nhắc đến để mọi người ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ rừng và cũng bởi nó liên quan mật thiết đến tình trạng biến đổi khí hậu – một trong những nguy cơ đang đe dọa cuộc sống của loài người.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay, rừng bao phủ 31% diện tích trái đất và có trên 1,6 tỷ người sống phụ thuộc vào rừng. Trong đó, diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 36% tổng diện tích rừng trên toàn thế giới. Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống con người, không những cung cấp nguồn gỗ, củi, điều hòa khí hậu, tạo ra ô-xy mà còn góp phần điều hòa lưu lượng nước, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật… Các nhà khoa học đã ước tính, cứ 1ha rừng hằng năm sẽ tạo nên 16 tấn ô-xy và mỗi người một năm cần 4.000 kg ô-xy, tương ứng với lượng ô-xy do 1.000-3.000m2 cây xanh tạo ra trong một năm. Rõ ràng, rừng chính là lá phổi xanh vô cùng hữu ích với con người. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp mà nguyên nhân chủ yếu vẫn từ bàn tay con người mà ra.
Hãy nhìn lại những gì mà chúng ta đã ứng xử với lá phổi xanh của mình. Rừng bị xẻ thịt, khai thác lâm sản phục vụ cho đời sống của con người, bất kể là rừng trồng hay rừng nguyên sinh đều bị khai thác tràn lan, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Rừng bị người dân đốt làm nương, rẫy, trồng cây lương thực. Rừng bị phá để xây dựng các công trình như thủy điện hoặc làm đường giao thông, thậm chí phục vụ cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhất là khai thác vàng. Đó là chưa kể đến nguyên nhân khách quan do thời tiết gây ra, dẫn đến tình trạng cháy rừng trong mùa khô hoặc lũ quét vào mùa mưa…
Những năm gần đây, các tỉnh miền Trung thường xuyên gánh chịu những đợt lũ lụt nghiêm trọng và một trong những nhân tố góp phần tăng mối nguy hại của thiên tai là do rừng đang bị khai thác quá mức. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ sau cơn bão số 9 năm 2009, hàng ngàn mét khối gỗ lậu đã theo dòng nước lũ, trôi về xuôi (địa phận tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kon Tum). Bây giờ, khi đi vào địa phận núi rừng một số tỉnh miền Trung, người ta thường bắt gặp tình trạng khai thác vàng, khai thác quặng kim loại, xây dựng thủy điện… Rừng bị chia cắt, bị xẻ thịt, dần dần mất nguyên trạng. Màu xanh của rừng thu hẹp dần tỷ lệ thuận với việc nguồn cung cấp ô-xy cho con người cũng ngày càng cạn kiệt. Có muộn không khi chúng ta đã gánh chịu những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra mới dần ý thức được tầm quan trọng của lá phổi xanh trong việc điều hòa khí hậu?!
Đà Nẵng cũng có rừng và một thời gian, nạn phá rừng ở khu vực đèo Hải Vân đã được cảnh báo. Thế nhưng, làm thế nào để bảo vệ lá phổi xanh, để rừng không bị những lợi ích kinh tế xâm hại?! Rõ ràng, cần thiết phải giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng và chỉ cho họ cách làm sao để bảo vệ rừng. Đồng thời, khuyến khích người dân chọn phương cách sống không gây hại đến môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng cần nghiên cứu những phương án hữu hiệu để khôi phục hệ thực vật của rừng bằng việc khuyến khích trồng rừng ở những nơi đã bị tàn phá. Việc quy hoạch các dự án, công trình liên quan đến rừng cần được cân nhắc kỹ lưỡng về tác hại đối với thảm thực vật tại đây… Rất nhiều nỗ lực cần thực hiện nếu chúng ta muốn bảo vệ lá phổi xanh của mình. Rừng chỉ thực sự mang lại giá trị quý báu cho cuộc sống khi mỗi người trong chúng ta ý thức được tầm quan trọng của nó, từ đó, chung tay gìn giữ, không chỉ là cho hiện tại mà cho cả tương lai.
Hà An