.

Cần một sự đồng thuận khác!

Chúng ta đã nghe, biết, thấy những tiêu chí cho một đô thị xanh, sạch, đẹp. Đà Nẵng cũng có nghị quyết xây dựng một thành phố môi trường, là thành phố an bình, đáng sống...

Những dự án hàng trăm triệu USD vay từ các định chế tài chính đầu tư cho cấp thoát nước, giải quyết những điểm úng ngập lưu cữu, xây dựng những con đường vành đai, những chiếc cầu hiện đại. Ngân sách cũng đã chi ra hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để trồng cây xanh, xây dựng công viên, quy hoạch và đầu tư nhiều tiện ích tại các bãi tắm, lắp các thiết bị chiếu sáng... Nói chung, những nỗ lực trong nhiều năm qua đã tạo cho Đà Nẵng một diện mạo khác hẳn. Nhóm bạn làm báo của chúng tôi từ Hà Nội vừa có chuyến nghỉ phép thường niên tại Đà Nẵng. Họ có nhiều ấn tượng với thành phố. Họ không thấy người bán hàng ở chợ Hàn nói thách. Đặt món cá biển làm sẵn để mang về Hà Nội, một tiệm ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh không cần lấy tiền trước. Đi taxi ở Đà Nẵng cũng không bị cánh lái xe chạy vòng vo để tính tiền cao, trái lại còn được hướng dẫn đi đường gần hơn...

Nhưng chừng ấy là chưa đủ.

Một đô thị văn minh, sạch đẹp ngoài sự đầu tư của chính quyền, cần có sự tự ý thức của mỗi công dân. Nhưng rất tiếc, không phải mọi công dân đều có nhận thức giống như người chủ tiệm ăn, tài xế taxi hay những chị bán hàng ở chợ mà tôi vừa nhắc tới.

Buổi sáng, chúng tôi đi tập thể dục và ghé vào một quán cà-phê ở ngã ba đường sau buổi tập. Trong 30 phút, tôi quan sát, một người bán bún trên hè phố đã ba lần tạt những thau nước rửa chén bát xuống lòng đường, một lần suýt trúng một ông lão đi xe đạp. Có 6 người từ trong xóm mang những túi rác ra vị trí để các thùng rác, nhưng chỉ có 2 người dừng lại, mở nắp thùng bỏ rác vào bên trong, 4 trường hợp còn lại ngồi nguyên trên xe máy và ném các túi ni lông  xuống bên ngoài thùng.

Trên đường phố đối diện, một thanh niên dựng xe máy giữa lòng đường, cách bó vỉa cả mét để vào quán mua thuốc lá. Bên kia ngã ba, nhiều chiếc ô-tô đời mới vẫn sử dụng đèn pha rọi thẳng vào người đi đường dù lúc đó đã 5 giờ rưỡi, trời đã sáng tỏ.

Từ chỗ quán cà-phê về đến nhà, trên đoạn phố chưa đầy 200 mét, mới ngày hôm qua đã có tổ thanh tra giao thông đến lập biên bản xử phạt vì hành vi đổ vật liệu xây dựng chiếm hết lề đường của người đi bộ, thì sáng nay lại có liền 3 xe tải đang xuống gạch hoặc đổ cát, bụi tung mù. Cạnh đó, là những hàng bún, bánh mì đang dọn ra... Người đi bộ bị mất chỗ đã đành, mà người mua đồ ăn sáng cũng đối diện với nguy cơ thức ăn mất vệ sinh...

Ghi lại những chuyện có vẻ vặt vãnh này, không phải là hành vi vạch lá tìm sâu mà để nói đến một việc quan trọng hơn: Chúng ta từng đạt được sự đồng thuận trong giải tỏa, tái định cư hàng chục ngàn ngôi nhà để đô thị hóa và xây dựng nhiều công trình công cộng. Nhưng để giữ gìn những công trình đó và phát huy hiệu quả của chúng trong thực tế cuộc sống, vẫn cần một sự đồng thuận khác để cùng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo cho Đà Nẵng thành một nơi chốn lý tưởng để sinh sống và đón mời khách đến. Sự đồng thuận xã hội đó không thể dựa vào ý thức tự giác đơn thuần!
                                                                                                        
NGUYỄN SÔNG HÀN
;
.
.
.
.
.