.

Cảnh giác cao với dịch bệnh

20.000 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, 56 trẻ em tử vong trên cả nước đã cho thấy mức độ nguy hiểm của căn bệnh này đang lây lan nhanh theo từng ngày, nhưng hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và công tác phòng, chống chưa hiệu quả. Bộ Y tế xác định, ngăn chặn dịch tay-chân-miệng trong thời điểm hiện tại là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của các địa phương.

Câu chuyện 4 trẻ em cùng chơi chung trong một nhà bóng, sau đó đều mắc bệnh, một lần nữa cho thấy tốc độ lây lan căn bệnh này rất nhanh, khó kiểm soát. Một số trường học tại các tỉnh, thành phía Nam có hàng loạt trẻ em mắc bệnh đã buộc phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan. Công tác chống dịch được huy động tối đa, mặc dù các chuyên gia dự báo đỉnh dịch sẽ rơi vào từ tháng 8 đến tháng 10-2011.

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh khiến cho công tác phòng, chống không được lơ là, chủ quan. Ngay tại Đà Nẵng, số bệnh nhân chỉ dưới 300 trường hợp, chưa có tử vong, nhưng trên thực tế các cơ sở điều trị tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến từ các địa phương khác. Dù tình hình dịch trên địa bàn có lắng dịu, nhưng còn âm ỉ do ở các nhà trẻ, khu vui chơi, trường học vẫn xuất hiện rải rác trẻ em mắc bệnh chưa được phát hiện kịp thời. Điều nguy hiểm chính là việc bệnh nhân tay-chân-miệng từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam ồ ạt đến Đà Nẵng điều trị, nguy cơ lây nhiễm chéo vi-rút EV 71 gây nhiều biến chứng là rất rõ. Hiện tại, Trung tâm Phụ sản-Nhi điều trị cho hơn 60 trường hợp trẻ em mắc bệnh, trong đó có 5 bệnh nhân biến chứng thần kinh, nguy hiểm tính mạng.

Trực tiếp đến kiểm tra thực tế công tác chống dịch tại Đà Nẵng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương đề nghị cơ sở thu dung điều trị cần phải thực hiện triệt để cách ly, giám sát các ca bệnh trong và ngoài thành phố để tránh lây nhiễm chéo, tránh tử vong. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác tuyên truyền phòng dịch bệnh được triển khai nhưng chưa thường xuyên, liên tục để người dân và các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, các khu vui chơi nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó phối hợp với ngành Y tế phòng ngừa hiệu quả. 

Chỉ trong 10 ngày gần đây, có 4.000 bệnh nhân tay-chân-miệng mắc mới được ghi nhận khiến cho tình hình dịch căng thẳng và cấp bách vì tính mạng của hàng ngàn trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh đang nguy hiểm. Cảnh báo của các chuyên gia y tế trong quá trình trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại nhiều địa phương có số mắc và tử vong cao là diễn biến dịch sẽ tiếp tục kéo dài và phức tạp, lây lan nhanh.

Bài học từ thực tế chống dịch sốt xuất huyết trong năm 2010 cho thấy, điều cần thiết nhất trong thời điểm này là sự quyết tâm vào cuộc của không riêng ngành Y tế mà chính là sự tham gia tích cực và nhanh chóng của các ban, ngành, đoàn thể và từng người dân phòng chống dịch bệnh. Ngăn chặn dịch tay-chân-miệng hiệu quả là trách nhiệm của mọi nhà để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của từng trẻ em trong chính mỗi gia đình.

Diệu Minh

;
.
.
.
.
.