.

Không khoan nhượng

Trong khi vấn đề Biển Đông “nóng” ở đảo Bali của Indonesia thì hàng triệu triệu trái tim của người dân Việt Nam cũng dõi theo phái đoàn do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 (AMM 44) và Diễn đàn an ninh khu vực lần thứ 18 (ARF 18). 

Việt Nam đề nghị tất cả các nước phải triệt để tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm minh chứng cho lập trường, thái độ kiên quyết và không khoan nhượng nhưng cũng không kém phần mềm mỏng, dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam đối với bất kỳ hành động nào làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh khu vực.

Hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông đang là mối quan tâm, lợi ích chung và nguyện vọng thiết tha của cả 10 thành viên ASEAN. Vì vậy, Trung Quốc không thể dựa vào tiềm năng to lớn về kinh tế cùng sức mạnh quân sự của mình để dễ dàng vươn cánh tay và vô cớ đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”, để rồi liên tiếp có những hành động gây hấn cắt cáp đối với tàu thăm dò tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua không những khiến người dân Việt Nam mà các nước trong khu vực và quốc tế đều lo ngại. Tại hội thảo về an ninh hàng hải ở Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại thủ đô Washington, các thượng nghị sĩ Mỹ đã nêu đích danh Trung Quốc là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời khẳng định không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho những tuyên bố chủ quyền của nước này.

Trong khi Trung Quốc đưa ra những cam kết tôn trọng hòa bình trên Biển Đông như hình thức ngoại giao, hành động của Bắc Kinh lại trái ngược. Dư luận quốc tế bất bình, cộng đồng ASEAN bất an. Bởi lẽ, Bắc Kinh tự mâu thuẫn giữa nói và làm, vi phạm Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về DOC cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Trải qua những đau thương và mất mát trong 2 cuộc chiến tranh, Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình và tôn trọng sự toàn vệ lãnh thổ của mọi quốc gia nên không hề có những tuyên bố “lên gân” như Trung Quốc, cũng không có những hành động gây quan ngại như người láng giềng phương Bắc. Trên chính trường quốc tế, các lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn tỏ rõ sự không khoan nhượng bằng việc kêu gọi hòa bình và đàm phán đa phương để tìm giải pháp cho tương lai Biển Đông, để các bên ngồi lại cùng đối thoại, bảo vệ chủ quyền và chia sẻ lợi ích nhằm tìm tiếng nói chung.  

Cuộc họp các quan chức cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc đã thông qua trên nguyên tắc dự thảo Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC để đệ trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc. Đây là kết quả và sự khởi đầu có ý nghĩa vì mục tiêu thúc đẩy thực hiện hiệu quả DOC. Song, điều quan trọng là các bên liên quan, nhất là Trung Quốc cần tôn trọng cam kết, cần thống nhất lời nói - hành động để tạo dựng và thúc đẩy niềm tin. Hơn hết, trong quan hệ hợp tác, liên kết để cùng phát triển, niềm tin là điều cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay. 

ASEAN ngày càng phát huy vai trò đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, cũng như với các vấn đề chung trong cộng đồng các dân tộc toàn cầu. Việt Nam cùng nhiều nước khác đang đóng góp tích cực vào Cộng đồng ASEAN của năm 2015 - một cộng đồng vì nhân dân và dân chủ, thì khối này cũng sẽ không đứng ngoài cuộc khi chủ quyền và lợi ích của các thành viên bị đe dọa.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.