.

Phụ nữ... không nghèo, ở đâu?

Đại hội đại biểu Phụ nữ cấp xã, phường, quận/huyện đã hoàn thành, tiến tới Đại hội Phụ nữ cấp thành phố. Cũng như nhiệm kỳ trước, một nội dung được coi là sôi động nhất của các cấp Hội chính là hỗ trợ phụ nữ nghèo và phấn đấu giúp chị em thoát nghèo.
 
Có thể nói, hiếm tổ chức Hội nào đa dạng các hoạt động giúp nhau vượt khó như phụ nữ. Nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, góp vốn quay vòng, mái ấm tình thương, tiết kiệm ngày xuân, tặng quà, sổ tiết kiệm, dạy nghề, tập huấn kiến thức làm ăn… là số ít trong rất nhiều chương trình Hội Liên hiệp Phụ nữ đã đưa ra, nhằm cải thiện đời sống vật chất cho chị em. Các hội viên thành đạt, tạm gọi là những người giàu có như nữ doanh nhân, v.v… thì thường góp mặt trong tổ chức Hội với vai trò mạnh thường quân để kề vai sát cánh, và có những trợ giúp thiết thực theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Nhưng thiết nghĩ, lực lượng phụ nữ Đà Nẵng đâu chỉ có vậy, và có vẻ chúng ta thiên về yếu tố nhân đạo, từ thiện nhiều hơn là tổ chức đa dạng các hoạt động, để Hội thực sự trở thành sân chơi, ngôi nhà của tất cả các tầng lớp phụ nữ.

Đà Nẵng là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, vì thế bên cạnh số người nghèo, còn một lực lượng hùng hậu là đội ngũ phụ nữ có tri thức và có mức thu nhập khá so với mặt bằng chung. Họ không giàu như những doanh nhân, nhưng không hề nghèo khó đến mức cần được hỗ trợ sinh kế. Vậy, các đối tượng này ở đâu trong tổ chức Hội của chính mình? Phải chăng, họ chỉ biết đến Hội vào những ngày “được” kêu đi họp tại chi, tổ để nghe tuyên truyền vấn đề nào đó? Đóng góp ủng hộ người nghèo? Thi thoảng họ đi dã ngoại và tham gia giao lưu trong các đợt sinh hoạt “bề nổi” nhân dịp ngày Phụ nữ? Và chừng ấy rồi… thôi! Thử tưởng tượng, nếu không vì đi nhận quà hay cần trình bày khó khăn, những phụ nữ này bước chân vào khuôn viên của Hội để làm gì? Thực tế là chúng ta còn quá ít các chương trình hấp dẫn thường ngày mang tính giải trí; đồng thời giải quyết được các vấn đề về tinh thần của người phụ nữ hiện đại. Nếu đã nói, vai trò của tổ chức Hội là tập hợp các tầng lớp phụ nữ, thì có lẽ không riêng phụ nữ nghèo là đối tượng cần được chú ý nhất…

Vẫn biết các cán bộ Hội đã thực sự nỗ lực để đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho hội viên mình. Vẫn biết đất nước còn khó khăn, người nghèo còn nhiều, mà “có thực mới vực được đạo” thì mọi cố gắng đều hướng về sự cải thiện kinh tế là điều dễ hiểu. Song, khi đã nói là mong chờ và kỳ vọng, thì có điều gì không vượt trên mức bình thường.

Thu Hoa
;
.
.
.
.
.