Tại ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII (từ ngày 21 đến 23-12), đại biểu Bùi Văn Tiếng cho biết, trong thời gian diễn ra Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 ở thành phố này, hơn 470 nhà báo hình trên cả nước đã đến tham quan Bà Nà.
Hầu hết các nhà báo đều yêu mến Đà Nẵng vì sự bình yên, vẻ thoáng đãng và vì cả sự thanh lịch, mến khách của người dân. Song, khi đi cáp treo Bà Nà lên đến đỉnh cao, các nhà báo một phen hốt hoảng vì điện bỗng dưng bị cúp. Cáp treo đột ngột dừng lại, nhiều người chao đảo. Sự cố mất điện chỉ thoáng trong giây lát nhưng cũng đủ làm vơi đi cảm giác hào hứng, vui vẻ của du khách trong chuyến tham quan.
Ông Tiếng kể: Một nhà báo đã điện thoại cho ông thuật lại câu chuyện và chia sẻ rằng, sẽ tốt biết bao nếu Công ty cổ phần Cáp treo Bà Nà thông báo trên loa để du khách biết về sự cố, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ. Công ty này cũng cần làm việc với ngành Điện lực để việc cúp điện không tái diễn trong lúc du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp của Bà Nà trên hệ thống cáp treo vốn được quảng bá là hiện đại nhất Đông Nam Á.
Có ý kiến cho rằng, khi mất điện, du khách vẫn ngồi yên trong cáp treo và vẫn an toàn nên không cần thiết lo sợ. Tuy nhiên, sự hốt hoảng và sợ hãi dường như không tránh khỏi với bất kỳ ai đang ở trong tình trạng lơ lửng giữa không trung. Có thể nhiều người trong số 470 nhà báo đó sẽ không muốn đến Bà Nà thêm lần nữa. Câu chuyện của ông Tiếng thoạt nghe tưởng như chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng thật sự không hề nhỏ khi liên quan đến tính mạng con người. Đồng thời, trong quá trình khai thác dịch vụ du lịch và quảng bá hình ảnh Đà Nẵng, nếu những chi tiết nhỏ bị bỏ qua thì sẽ dễ dàng làm “mất điểm” với bạn bè trong nước cũng như quốc tế.
Tại các cuộc thảo luận trong kỳ họp HĐND lần này, nhiều đại biểu cũng đề cập đến việc khắc phục tình trạng chèo kéo du khách ở các chợ, các điểm du lịch; chấn chỉnh hoạt động taxi tại sân bay... Những đề xuất đều nhằm tạo ra một Đà Nẵng đẹp và bình yên trong lòng khách đến. Song, để Đà Nẵng thật sự đẹp và bình yên, còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác về an ninh, giá cả, cung cách phục vụ của các dịch vụ… An ninh phải bảo đảm; giá cả phải hợp lý, không “hét” giá cao, không chặt chém; phục vụ phải tận tình, chuyên nghiệp, thân thiện… là những yếu tố không thể thiếu để hấp dẫn và “ghi điểm” với khách. Bởi lẽ, vẻ đẹp và sự bình yên không chỉ xuất phát từ thiên nhiên, từ sông - núi - biển, mà còn từ phía con người địa phương.
Dịch vụ du lịch là một trong 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng từ năm 2010-2015. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX cũng đặt ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là “một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”. Để đạt được các tiêu chí “hài hòa, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống”, đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và người dân Đà Nẵng phải vào cuộc. Đồng thời, không vấn đề nhỏ nào bị bỏ qua trong quá trình xây dựng và phát triển, để không những người dân Đà Nẵng hài lòng khi chất lượng sống được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm, mà cả du khách cũng dành tình yêu mến và lưu luyến với thành phố.
TÚ PHƯƠNG