.

“Thật sự là cuộc chiến”

Trong 3 ngày nghỉ lễ và ngày đi làm đầu năm mới 2012, cả nước xảy ra 117 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 95 người, bị thương 81 người, chủ yếu trên tuyến đường bộ. Đây thật sự là những con số gây… sốc khi năm 2012 được xác định là Năm An toàn giao thông.

Việc giảm thiểu TNGT là vấn đề cấp bách được đặt ra với cả nước, chứ không riêng bất kỳ địa phương nào, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, đã gọi việc giảm thiểu TNGT là “cuộc chiến thật sự”. Vậy, trong cuộc chiến ấy, ai là “chiến sĩ” và chiến đấu với “kẻ thù” nào?

Trước hết, lực lượng Công an, cụ thể là Cảnh sát giao thông (CSGT) phải là những chiến sĩ chủ lực, đảm đương vai trò tiên phong. Với 178 vụ tai nạn, làm chết 123 người, bị thương 143 người trong năm 2011, TNGT trên địa bàn Đà Nẵng đã giảm cả ba tiêu chí (giảm 26 vụ, 20 người chết, 11 người bị thương). Nhưng không thể thấy giảm mà bằng lòng, bởi đã gọi là cuộc chiến thì những chiến sĩ phải chiến đấu đến khi giành thắng lợi. Lực lượng CSGT phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể số vụ tai nạn, nên cuộc chiến ấy còn dài và đầy thách thức, như Đại tá Nguyễn Văn Sơn đã khẳng định.

Không chỉ vào thời điểm này vấn đề TNGT mới được nhìn nhận là “cuộc chiến thật sự”, mà từ lâu lực lượng Công an thành phố đã xác định đó là nhiệm vụ hàng đầu. Rất nhiều chiến dịch tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nhiều đợt ra quân xử lý trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng đều nhằm hướng đến một thành phố văn minh, thành phố an toàn giao thông. Thực tế, công tác của lực lượng CSGT được xem là nhạy cảm, nên ở đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ không chỉ cương quyết, công tâm, xử lý đúng luật đối với người vi phạm mà còn phải chiến đấu với chính mình, với những cám dỗ vật chất tầm thường.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố quy trách nhiệm chính thuộc về ngành Công an. Đúng, khi trách nhiệm được xác định rõ ràng thì người được giao trọng trách phải phấn đấu để hoàn thành. Nếu lực lượng Công an làm đúng, làm quyết liệt, xử lý nghiêm thì tự khắc vấn đề an toàn giao thông trở thành nội dung tuyên truyền tốt nhất, hiệu quả nhất đối với người tham gia giao thông hơn bất kỳ những gì được ghi trên pa-nô, áp-phích...

“Cuộc chiến thật sự” trong việc giảm thiểu TNGT không chỉ có lực lượng Công an mà mỗi người dân cũng là một chiến sĩ. Việc chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ của mỗi người chẳng phải là góp phần bảo vệ an toàn cho mình và rộng hơn là cho mọi người, cho xã hội đấy sao! Những biên bản xử phạt, những bản án được tuyên là biện pháp cuối cùng và chỉ còn ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh khi hậu quả đã xảy ra. Vấn đề cốt lõi là ý thức, sự tự nguyện chấp hành luật khi điều khiển phương tiện. Đó là cái đích mà chúng ta đang hướng tới, được gọi với cụm từ quen thuộc “văn hóa giao thông”.

Ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông và lực lượng Công an là điều kiện tiên quyết giảm thiểu TNGT, nhưng một yếu tố quan trọng không kém là cơ sở hạ tầng giao thông bởi đã có những vụ TNGT xảy ra do đường xấu, chướng ngại vật, tín hiệu giao thông hư hỏng... Vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để góp phần hạn chế những vụ tai nạn không đáng có.

TNGT là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối và được gọi là “cuộc chiến thật sự”. Thành quả của chiến thắng trong cuộc chiến này là bớt đi những vụ tai nạn, những cái chết, những nỗi đau trong các gia đình, đồng thời giảm đi gánh nặng cho xã hội.

CHÂU MINH

;
.
.
.
.
.