.

Du lịch nghỉ dưỡng và công vụ

Trong nhiều cuộc tranh luận về phát triển du lịch Đà Nẵng đang đi theo hướng nào, nhiều người cho rằng thành phố Đà Nẵng như một đô thị vừa mới lớn, đang vươn mình theo nhịp sống hiện đại. Một số ý kiến khác lại phê bình Đà Nẵng chưa có sản phẩm đặc trưng để xây dựng thương hiệu du lịch hoặc đang lúng túng chưa biết nên lấy loại hình nào để đột phá phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Trong những tháng đầu năm nay, bất chấp tình hình kinh tế thế giới suy thoái và không ổn định, Đà Nẵng vẫn đón lượng khách du lịch đường biển khá lớn, tăng so với năm 2011. Theo kế hoạch, số lượng khách tàu biển cập cảng Tiên Sa chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2012 là 28.000 người, vượt qua con số khách tàu biển của cả năm 2011. Nếu lưu ý sẽ nhận thấy khách du lịch đường biển chính là những đại gia có tuổi (thường đã nghỉ hưu) và tour du lịch đường biển thường kéo dài cả tháng qua nhiều nước. Vậy mục tiêu du lịch của khách du lịch tàu biển là gì? Chắc chắn không phải là nghỉ dưỡng trên bờ mà là tham quan, mua sắm. Bởi thời gian cập cảng của tàu chỉ vài ba ngày mà tiện nghi trên tàu thường tương đương với khách sạn từ 4 - 5 sao. Một Việt kiều về quê hương đón Tết nhìn nhận: “Sao Đà Nẵng có thể là thành phố du lịch được khi nơi này về đêm yên bình quá, mới 9 giờ tối đã vắng vẻ, yên tĩnh rồi”.

Vào mùa hè, Đà Nẵng nhộn nhịp hơn khi các tour công vụ, hội nghị của cả nước tập trung về khá nhiều, bên cạnh đó là lượng khách trong nước đến nghỉ dưỡng, tắm biển mùa hè. Hoạt động đối ngoại cũng góp phần đưa hơn 100 đoàn khách công vụ quốc tế đến Đà Nẵng trong năm 2011. Tuy nhiên, xét trong cả khu vực, khách quốc tế đến Đà Nẵng vẫn không nhiều, năm 2011 khoảng 500.000 lượt, chỉ bằng 1/3 so với lượng khách quốc tế đến Hội An (Quảng Nam). Bởi lẽ, Quảng Nam có lợi thế phát triển du lịch di sản và nghỉ dưỡng kết hợp. Nhìn từ khía cạnh này, nếu Đà Nẵng chỉ phát triển đơn độc du lịch nghỉ dưỡng thì xem như đang ở thế cạnh tranh yếu hơn so với Quảng Nam.

Có một nhóm đối tượng đóng vai trò khá quan trọng trong việc quyết định chọn tour của gia đình là thanh-thiếu niên và các cặp vợ chồng trẻ thì dường như chưa được du lịch Đà Nẵng chú trọng nhiều. Thanh thiếu niên thường không hào hứng với du lịch nghỉ dưỡng mà thích thú hơn với các tour du lịch phiêu lưu, mạo hiểm, mua sắm và các trò chơi giải trí. Ở khía cạnh này, rõ ràng Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh hơn so với khu vực để đầu tư phát triển. Điều quan trọng là công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư với quy mô hợp lý, không manh mún. Nói như cách nói dân dã của người Quảng Nam-Đà Nẵng “đã làm thì phải làm cho ra trò”. Tìm một hướng đi mới, một sự khác biệt để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong khu vực là điều mà ngành du lịch thành phố cần hướng đến để tạo ra sự liên kết và tránh tình trạng cùng “vớt cá trong một ao”.

Hai năm gần đây, du lịch Đà Nẵng được xem là “lên ngôi” về số lượng khách đến so với các năm trước. Nhưng những dịch vụ để du khách phải “móc tiền túi” thì vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu chỉ phát triển du lịch nghỉ dưỡng và công vụ, thu nhập xã hội từ các dịch vụ cung ứng cho du lịch sẽ không cao và đích đến của mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của du lịch Đà Nẵng vẫn còn xa.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.