Cây cầu và lịch sử

.

“Từ khi bắt đầu xây dựng cây cầu mới, tôi đã từng có ý nghĩ đó và đã nói cho rất nhiều bạn bè mỗi khi đi qua cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tôi thấy cầu Nguyễn Văn Trỗi rất đẹp không thua gì cầu Tràng Tiền ở Huế về mặt kiến trúc cũng như thẩm mỹ và gắn liền với lịch sử phát triển Đà Nẵng. Vì vậy, giữ lại cây cầu là chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân. Cầu Nguyễn Văn Trỗi sơn sửa lại, trang trí đèn chạy dọc là đẹp miễn chê”.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi
Cầu Nguyễn Văn Trỗi

Đó là nội dung email của một bạn đọc gửi cho chúng tôi, phản hồi thông tin về việc Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo giữ lại và tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi phục vụ cho mục đích đi bộ và du lịch.

Đối với người Đà Nẵng, cầu Nguyễn Văn Trỗi như là một chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử hào hùng. Cầu được xây dựng năm 1965, là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn. Trước đó 5 năm, năm 1960, cầu Trần Thị Lý được xây dựng cách đó 70m về phía nam nhưng là cầu đường sắt. Cả hai cây cầu này xây dựng lúc đó đều nhằm phục vụ cho mục đích quân sự của quân đội Mỹ.

Tại cây cầu lịch sử này, lúc 8 giờ 45 sáng 29-3-1975, chiến sĩ Nguyễn Văn Dự (Biệt động thành Đà Nẵng) đã anh dũng ngã xuống khi cùng đồng đội đánh chiếm bến tàu quân sự dưới chân cầu Trịnh Minh Thế (tên cũ của cầu Nguyễn Văn Trỗi) chặn đường tháo chạy của quân ngụy. Chỉ hơn hai giờ sau, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng, thành phố hoàn toàn được giải phóng. Nguyễn Văn Dự được ghi nhận là chiến sĩ cuối cùng hy sinh trước giờ Đà Nẵng giải phóng. Một tấm bia đã được dựng lên ở bờ Tây sông Hàn, cách cầu Nguyễn Văn Trỗi 300m, để tưởng nhớ sự kiện này.

Sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cầu Nguyễn Văn Trỗi nhiều lần được tu sửa cùng biết bao sự đổi thay của thành phố và của chính dòng sông Hàn với sự ra đời của những cây cầu “hậu bối”: Cầu Sông Hàn, cầu Cẩm Lệ, cầu Tiên Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân và tới đây là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương… Mỗi cây cầu được hợp long như là mỗi nấc thang trong biểu đồ phát triển, đi lên của thành phố Đà Nẵng. Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu (chính xác hơn là cầu đường bộ) đầu tiên bắc qua sông Hàn, nối đôi bờ đông – tây, hướng thành phố về phía biển, và nó sẽ chứng kiến cây cầu cuối cùng bắc qua dòng sông thơ mộng này…

Vào tháng 4-2010, khi cầu mới Trần Thị Lý khởi công xây dựng để thay thế cho hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý đã xuống cấp, không ít người dân thành phố không khỏi chạnh lòng nuối tiếc khi nghĩ rằng “sứ mệnh lịch sử” của cây cầu đã chấm dứt. Tiếc nhưng cũng đành, bởi hai cây cầu đã xuống cấp trầm trọng và mất mỹ quan đô thị sau gần nửa thế kỷ được xây dựng một cách dã chiến. Chính vì vậy, quyết định của người đứng đầu thành phố ngay trong những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn về việc giữ lại và tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi phục vụ đi bộ và thưởng ngoạn sông Hàn, ngắm cảnh thành phố là một quyết định, chỉ có thể nói ngắn gọn, hợp lòng dân!

15 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng phát triển, thay đổi từng ngày và đang tiếp tục thay da đổi thịt. Trong quá trình đó, như một quy luật tất yếu của tự nhiên, sẽ không thể tránh khỏi những mất mát, thiệt thòi, những di dời, giải tỏa. Nhưng đó là những mất mát, thiệt thòi để tái tạo lại, để cuộc sống tốt đẹp hơn, chất lượng hơn, để đáng sống hơn. Còn những công trình, những chứng nhân của lịch sử, văn hóa cần phải được giữ lại, tôn tạo, tu bổ để có thể vĩnh hằng theo thời gian. Cầu Nguyễn Văn Trỗi được giữ lại, có lẽ cũng là vì mục đích đó.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại một sự kiện khác, cũng vào tháng 4-2010. Khi đó, đường Nguyễn Văn Linh nối dài thẳng tới sông Hàn đưa vào sử dụng. Con đường khang trang mở ra đã đưa Nghĩa trủng Phước Ninh “vươn” ra hai mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Thúc Kháng. Nghĩa trủng Phước Ninh là nơi quy tụ hơn 1.500 nấm mộ chôn cất chiến sĩ, đồng bào hy sinh ở mặt trận Đà Nẵng giai đoạn 1858 – 1860 trong cuộc chiến đấu chống đoàn quân viễn chinh Pháp do tướng Rigault de Genouilly và sau đó là tướng Page chỉ huy. Nói “ra mặt tiền” là bởi trước đó nghĩa trủng này nằm chìm khuất sau Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương nên rất ít người, đặc biệt là giới trẻ, biết được đây là một di tích lịch sử của Đà Nẵng trong buổi đầu đánh Pháp.

Khi mở đường Nguyễn Văn Linh nối dài, Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương bị giải tỏa, có người dân Đà Nẵng lại chạnh lòng nghĩ đến việc di tích này cũng sẽ được giải tỏa, di dời về Nghĩa trủng Khuê Trung. Nhưng không chỉ không bị giải tỏa, nghĩa trủng còn được nâng cấp, tu bổ, có khuôn viên thoáng đãng, lát đá cẩm thạch, nét cổ xưa vẫn được lưu giữ… Người dân Đà Nẵng từ đấy có nhiều cơ hội, thuận tiện hơn để tìm hiểu và biết rõ hơn về một phần lịch sử hào hùng của thành phố ở di tích này.

Người dân Đà Nẵng vui, mừng vì những điều đó!

THẢO ĐÀ NAM

;
;
.
.
.
.
.