.

“Sốc” với giá!

Sau Tết Nguyên đán, người tiêu dùng lại “sốc” vì một số mặt hàng tăng giá cao bất thường. Trước hết là dịch vụ ăn uống, từ quán ăn bình dân cho đến nhà hàng vẫn tăng giá, dù trên thực tế, giá nhiều mặt hàng thực phẩm sau Tết đã giảm về gần với mức bình thường.

Tiếp nối nhóm hàng ăn uống, nhiều hãng sữa bất ngờ tăng giá thêm từ  7-19%, tương ứng tăng từ 10.000-100.000 đồng/hộp sữa. Theo giải thích của nhà sản xuất, giá sữa tăng do thay đổi mẫu mã sản phẩm và nâng cấp công thức chế biến... Còn các đại lý kinh doanh sữa lại đổ lỗi cho lạm phát, tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh, theo đó nguyên liệu nhập tăng mạnh và chi phí sản xuất cũng tăng giá. Các hãng sữa tăng giá khiến sức mua của người tiêu dùng và doanh thu của cửa hàng từ đó cũng giảm. Hiện tại, không chỉ sữa nhập khẩu tăng giá, mà ngay cả Vinamilk - nhãn hiệu sữa Việt Nam thường giữ giá ổn định nhưng cũng lần đầu tiên tăng giá từ 5-7%. Theo đó, hiện sữa tươi Vinamilk tăng giá từ 24.000 đồng lên 26.000 đồng/lốc, sữa chua từ 17.000 đồng lên 19.000 đồng/lốc, sữa bột 1, 2, 3 giá từ 160.000 đồng lên 174.000 đồng/hộp.

Chưa kịp bàng hoàng với giá sữa, giá gas cũng đột ngột “nhảy múa”, gây “sốc” cho người tiêu dùng. Từ ngày 1-2, các doanh nghiệp gas đồng loạt công bố tăng giá rất cao (ở mức 42.000-45.000 đồng/bình 12kg). Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng kể từ đầu năm 2012 đến đầu tháng 2, giá gas bán lẻ trong nước đã 3 lần điều chỉnh tăng với mức tăng tổng cộng hơn 70.000 đồng/bình. Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh gas đổ lỗi do giá nhập khẩu tăng mạnh.

Có rất nhiều lý do được người kinh doanh và nhà sản xuất đưa ra nhằm biện minh tính hợp lý của việc tăng giá. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm về vấn đề này như: Công thương, Tài chính và Quản lý thị trường thì bị động, không thể chứng minh tính đúng đắn hay không của tình hình tăng giá. Chẳng hạn, tuy không nằm trong danh mục các mặt hàng bình ổn giá, nhưng theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas phải gửi đăng ký giá đến cơ quan quản lý Nhà nước về việc tăng giá hay giảm giá và phải giải thích lý do. Thế nhưng, xem ra việc này chỉ mang tính hình thức.

Trong bối cảnh cả nước ra sức kiềm chế lạm phát, việc tăng giá bất thường không chỉ gây sức ép lên người tiêu dùng mà còn tạo áp lực cho việc kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. Do vậy, không thể hô hào chung chung về tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thể hiện thái độ, trách nhiệm rõ ràng, hành động kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất thường.

TRONG HÙNG

;
.
.
.
.
.