.

Thơm thảo những tấm lòng

Các bản tin trên các ấn phẩm Báo Đà Nẵng những ngày gần đây về việc tiểu thương tại các chợ ở quận Liên Chiểu (chợ Hòa Khánh, Nam Ô...) tự động quyên góp để ủng hộ cho những nạn nhân trong vụ cháy chợ ở Quảng Ngãi ngay từ sáng 11-2 (tức 2 ngày sau vụ cháy) thật sự làm ấm áp lòng người.

Có lẽ đây là một trong những dòng tin gây xúc động nhất khi tháng Giêng vẫn chưa qua đi. Đáng trân trọng và cảm động hơn nữa là các bà, các mẹ, các anh chị tiểu thương ấy đã chứng minh rằng, sự đồng tâm, chia sẻ theo tiếng nói của trái tim, tấm lòng của nghĩa cử “bầu ơi thương lấy bí cùng” là nét đẹp lung linh, chứa đựng sự chia sẻ, cảm thông của tâm hồn Việt.

Gõ trên Google, sau 0,18 giây, có 32.200 trường hợp liên quan đến cụm từ quyên góp ủng hộ tiểu thương Quảng Ngãi, chỉ duy nhất ở Đà Nẵng các tiểu thương quyên góp rất đông và rất nhanh. Đó phải chăng là một trong những gì đáng nhớ, đáng phải hiểu rõ về “tính cách Đà Nẵng”? Lâu nay, Đà Nẵng nổi tiếng về sự đột phá, những bước đi đầu tiên, sự mới mẻ trong tư duy, sự mạnh mẽ trong hành động, sự triệt để trong cách tìm và giải quyết vấn đề... Nhưng đấy là ở tầm vĩ mô của cấp lãnh đạo cao nhất. Còn cách làm của Ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, sự đồng tình ủng hộ của tất cả những ai liên quan đến 2 từ “chợ búa” nói lên rằng, những người vốn có mức thu nhập còn khiêm tốn trong xã hội như các tiểu thương hay những người phu khuân vác, chị lao công..., dường như cũng hiểu đúng và hiểu rõ cái lẽ của việc làm người, sẵn sàng sẻ chia khi hoạn nạn.

So với số tiền được các đơn vị kinh doanh giàu có đóng góp (chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí ủng hộ đến 2 tỷ đồng), số tiền của các tiểu thương Đà Nẵng gửi vào Quảng Ngãi không nhiều. Nhưng, cái ý nghĩa lớn lao không thể nào đong đếm được. Đây cũng không phải là lần đầu tiên người Đà Nẵng làm thế. Những khoản tiền nhỏ lì xì cho các bác xe thồ dịp Tết, hay việc xây cất bệnh viện ung thư đầu tiên chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo và gần nhất là nộp bảo hiểm cho tất cả ngư dân làm việc trên những con tàu lớn đi đánh bắt xa bờ... đều là những biểu hiện rõ ràng, đầy đủ của sự ấm áp, chân thành.

Trong thời kinh tế thị trường, ít nhiều giá trị văn hóa bị mài mòn, bào xói bởi quy luật chi phối nghiệt ngã từ đồng tiền gần như là một thuộc tính tự nhiên. Đến nỗi không ít nhà văn hóa học âu lo rằng, giá trị lớn lao nhất của văn hóa là đoàn kết, hiểu biết, đồng cảm, tương thông đang bị mai một nếu không muốn nói là suy giảm đến mức đáng phải băn khoăn... Thật vui mừng vì trong cái “khung” chung đó, tấm lòng của các bà, các mẹ, các anh chị tiểu thương Đà Nẵng như là một làn gió xuân nhẹ nhưng lại tỏa ấm vô cùng.

Giá như tất cả các tiểu thương trên đất nước đều tự phát, đồng lòng như các tiểu thương ở Đà Nẵng thì chắc chắn những nạn nhân của vụ cháy ở Quảng Ngãi sẽ dịu bớt những nỗi đau, sẽ có cách ít khó khăn hơn để tiếp tục đứng dậy và làm lại từ đầu. Cần nhấn mạnh thêm rằng, tấm lòng đó, những sự lặng lẽ giàu nhân ái ấy là những bài học bổ ích nhất để giáo dục về đạo đức cho những lớp người kế tiếp. Sự cảm nhận của lớp trẻ về tính nhân văn, đạo nghĩa làm người qua những trải nghiệm thực tế sẽ trở thành điều quý giá, tạo nên những mầm xanh mới của tình người.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.