.

Tiếp sức ngư dân

Ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn 2012, tin vui đến với ngư dân Đà Nẵng không chỉ từ việc những chuyến tàu vươn khơi trở về đầy ắp hải sản, mà còn là một quyết định mang tính nhân văn của chính quyền thành phố đối với những người trần lưng bám biển: Đà Nẵng quyết định hỗ trợ 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho tất cả lao động trên tàu có công suất từ 50CV trở lên, không hạn chế lao động trong hay ngoài thành phố.

Theo thống kê ban đầu từ cơ quan chức năng, khoảng 300 tàu cá với 3.000 lao động sẽ được áp dụng chính sách này, với mức đóng bảo hiểm 64.000 đồng/người/năm. Mức bồi thường tối đa lên đến 20 triệu đồng/trường hợp, dành cho các trường hợp chết hoặc thương tích trên biển.

Dĩ nhiên, khi tham gia lao động trên biển, không ai mong muốn tai nạn xảy ra cho mình; nhưng dân gian ví von những người đi biển thường chịu cảnh “hồn treo cột buồm”! Những hiểm nguy từ thiên nhiên, từ phương tiện, từ sự va chạm trên biển… luôn rình rập nên việc hỗ trợ 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên sẽ làm cho ngư dân càng thêm yên lòng khi ra khơi.

Việc thực hiện hỗ trợ 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên cũng chỉ là một trong những giải pháp cụ thể, thiết thực của thành phố Đà Nẵng thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; là động thái tích cực nhằm cụ thể hóa những nội dung đã được đề cập trong Chương trình hành động thực hiện chiến lược này của Thành ủy Đà Nẵng. Cùng với những động thái này, trước đó, thành phố đã tăng cường hỗ trợ việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; đầu tư hệ thống thông tin liên lạc và trang thiết bị hiện đại; hình thành các tổ, đội đánh bắt xa bờ; đầu tư hoàn thiện hậu cần nghề cá… nhằm hỗ trợ tích cực cho ngư dân bám biển, vươn khơi.

Tất cả những giải pháp này, từ tổng thể đến cụ thể, chính là nhằm triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố mà Thành ủy Đà Nẵng đề ra trong giai đoạn 2011-2015: “Xây dựng và thực hiện các đề án phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ phục vụ việc đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển kinh tế biển”. Đó cũng chính là nhằm “tạo tiền đề để đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm hậu cần nghề cá; phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của vùng và trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”.

Nhìn vào định hướng trên để thấy rằng, mặc dù cơ cấu nông nghiệp (trong đó có thủy sản) ngày càng giảm trong tỷ trọng kinh tế của thành phố, nhưng việc đầu tư nhằm nâng cao chất lượng luôn là giải pháp tích cực được thành phố triển khai quyết liệt và mang lại hiệu quả, giải quyết những vấn đề cấp bách cũng như lâu dài trên lĩnh vực này. Theo đó, cơ cấu ngành nông nghiệp giảm còn 30% (năm 2010) và được định hướng giảm tiếp xuống 2% vào năm 2015 với giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ tăng 1,5-2,5% mỗi năm. Thế nhưng, bù lại, các ngành dịch vụ (trong đó có dịch vụ hỗ trợ nông-lâm-ngư nghiệp) được tăng lên thông qua việc tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu suất, hiệu quả đánh bắt, khai thác, chế biến thủy, hải sản. Có thể dẫn chứng, năm 2011, Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong khai thác hải sản, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp chỉ tăng 4,5%, sản lượng khai thác hải sản giảm 1,4% nhưng giá trị khai thác tăng 7,9% do tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao. Điều đó cho thấy, hiệu quả của việc đầu tư, hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ đem lại là rất lớn.

Từ tin vui đầu năm đó, có một tín hiệu được đáp lại từ phía ngư dân: Lần đầu tiên, một chủ tàu ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà đã hạ thủy chiếc tàu cá lớn nhất Đà Nẵng có công suất máy 948 CV, lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị hiện đại với tổng kinh phí 3,4 tỷ đồng để đủ sức vươn khơi xa, ngày càng đủ điều kiện làm chủ vùng biển của Tổ quốc.

Chính sách sát với thực tiễn không những góp phần phát triển kinh tế biển, mà qua đó ngư dân chủ động tham gia vào công cuộc giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.