Câu chuyện râm ran nhất trong những ngày này của tiểu thương các chợ là thông tin xung quanh vụ cháy ở chợ Quảng Ngãi. Sau vụ hỏa hoạn, các cơ quan chức năng trên cả nước và người dân không khỏi lo lắng về thực trạng cơ sở vật chất, hạ tầng của các chợ truyền thống hiện nay.
Theo số liệu của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Đà Nẵng, năm 2011, trên toàn địa bàn thành phố xảy ra gần 130 vụ cháy, nổ làm 1 người chết, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng. Hầu hết nguyên nhân cháy do liên quan đến các sự cố về điện như: Quá tải hệ thống điện cũ, mục nát dẫn đến chập điện; vệ sinh công nghiệp kém; ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC chưa cao. Đặc biệt, ở một số chợ, trung tâm thương mại, việc vi phạm quy định sử dụng các nguồn nhiệt, ngọn lửa trần còn tương đối phổ biến, xảy ra dưới nhiều hình thức như sử dụng bếp gas, bếp dầu, bếp than, thắp hương, đốt vàng mã…
Trên địa bàn Đà Nẵng có 85 chợ các loại đang hoạt động; trong số đó, không ít chợ đang rơi vào tình trạng xuống cấp. Không chỉ chợ tạm, chợ hạng 3 chưa đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, mà ngay cả những chợ loại 1 như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới…, nguy cơ cháy nổ vẫn khá cao.
Phổ biến là tình trạng nhà lồng bị mưa, dột, tạt ướt hàng hóa, hệ thống dây điện cũ kỹ, chằng chịt, mái che không được duy tu sửa chữa. Báo cáo của Ban quản lý chương trình phát triển chợ Đà Nẵng giai đoạn 2005-2010 chỉ ra hệ thống trang thiết bị PCCC tại các chợ nội thành lẫn ngoại thành chưa được bảo đảm. Chỉ một vài chợ lớn trong thành phố cân đối được kinh phí nên hằng năm mới mua sắm bổ sung thêm các trang thiết bị chữa cháy. Còn đối với các chợ quy mô cấp phường, quận quản lý thì những trang thiết bị hầu như khá sơ sài. Hệ thống điện thắp sáng trong nhà lồng các chợ sử dụng lâu ngày không được thay mới, có thể gây ra chập điện, cháy nổ bất cứ lúc nào.
Dù gần đây, các chợ lớn của Đà Nẵng chưa có vụ cháy nào ở mức độ nghiêm trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, nhất là những chợ cũ như chợ Cồn. Quy định PCCC là không gian lối đi giữa các dãy gian hàng phải từ 1,8-2m; nhưng tại chợ Cồn, không gian này chỉ 1,2m. Vì vậy, nếu có sự cố, lực lượng chữa cháy cũng khó tiếp cận. Từ sau những vụ cháy chợ lớn như Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Ban quản lý chợ đã cho làm lại hệ thống điện, thử vận hành bể nước chữa cháy hằng tháng với khối lượng bình quân 75m3 nước/hộ, cảnh báo an toàn cháy nổ hằng ngày và tuyên truyền định kỳ cho hộ kinh doanh.
Nhận thức được nguy cơ mất an toàn về PCCC, hằng năm, Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC thành phố thường xuyên triển khai các phương án diễn tập, huấn luyện kỹ năng tham gia chữa cháy cho lực lượng Ban quản lý, bảo vệ các chợ. Năm vừa qua, chợ Hòa Khánh đã 2 lần phối hợp diễn tập giả định với lực lượng cảnh sát PCCC nhằm chủ động đối phó với “giặc lửa”. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là công tác xã hội hóa, đầu tư xây mới, chỉnh trang chợ truyền thống vẫn chưa được tiến hành. Trong khi đó, môi trường chợ đã xuống cấp, lối đi hành lang kinh doanh vỉa hè bị lấn chiếm. Việc đầu tư kinh phí cho công tác PCCC còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Để hạn chế và phòng ngừa rủi ro từ việc cháy các chợ, điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho từng cá nhân đối với công tác PCCC bằng nhiều hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; bảo đảm an toàn cho hệ thống các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Từ sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, rất nhiều đoàn công tác đưa cán bộ đến tìm hiểu tình hình, vừa chia sẻ với những mất mát của tiểu thương. Quả là những người làm công tác quản lý Nhà nước, nhất là quản lý chợ, hẳn cũng đang hết sức chú ý đến sự an nguy của chợ tại địa phương mình.
DUYÊN ANH