“Năm An toàn giao thông - 2012”, thành phố Đà Nẵng đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương so với năm 2011; không để xảy ra các điểm ùn tắc giao thông kéo dài và không có đua xe trái phép. Để làm được điều này, các cấp, các ngành đều phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông (ATGT) đến với từng người dân một cách sâu rộng, hiệu quả, nhằm nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, chỉ khi ý thức của người tham gia giao thông trở thành thói quen và hình thành một nét văn hóa mới sẽ góp phần không nhỏ vào việc giải quyết tình trạng vi phạm ATGT. Đó chính là văn hóa nhường đường.
Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường bộ và ách tắc giao thông hiện nay ở Việt Nam là hầu như không ai chịu nhường đường cho ai khi tham gia giao thông. Ai cũng muốn cố hơn người khác dù nửa bánh xe nên dẫn đến việc đi lấn phần đường của hướng giao thông ngược chiều, đi lên vỉa hè... Hay khi rẽ trái, ai cũng muốn chen vượt dòng xe cộ đi thẳng, còn người đi thẳng muốn đi trước xe rẽ trái. Việc không có đèn tín hiệu hướng dẫn rẽ trái để chỉ dẫn người tham gia giao thông phải nhường đường là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông thường xuyên trên các giao lộ trục đường Điện Biên Phủ hiện nay.
Báo cáo của UBND quận Sơn Trà cho biết, trong năm 2011, trên địa bàn quận đã xảy ra 105 vụ va chạm giao thông đường bộ; trong đó, tỷ lệ lỗi vi phạm do không nhường đường khi chuyển hướng chiếm cao nhất - trên 30%.
Ở các nước phát triển, tại các điểm nhập dòng, các đảo giao thông và đường rẽ đều có biển báo “Hãy nhường đường” (Give Way hoặc Yield). Nhưng các biển báo nhường đường hay các dòng chữ nhắc nhở “Hãy biết nhường đường khi tham gia giao thông” thật ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa văn hóa lại hầu như không thấy trên các tuyến đường giao thông ở nước ta. Nếu người tham gia giao thông để ý quan sát thì có lẽ rất hiếm khi mới thấy một biển báo hiệu nhường đường khi giao nhau với đường ưu tiên là một hình tam giác màu vàng có viền đỏ và mũi nhọn phía dưới. Chương II, Điều 24, Khoản 1 Luật Giao thông đường bộ quy định “Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải”.
Hiện thực hóa những điều quy định trong Luật thành những biển báo, những đèn tín hiệu, những panô nhắc nhở thường xuyên trên các tuyến đường sẽ là sự khởi đầu hình thành hành vi ý thức, dẫn đến thói quen và nếp văn hóa nhường đường. Bất kỳ nếp văn hóa nào cũng cần có thời gian để xây dựng. Song, nếu chúng ta không bắt đầu đặt đúng những viên gạch từ hôm nay thì sẽ không tạo được nền tảng để hình thành nếp văn hóa đó. Khi đã có Luật Giao thông đường bộ khoa học, văn hóa nhường đường chính là một trong các vấn đề then chốt để giải quyết bài toán ATGT. Người tham gia giao thông hãy biết nhường đường nhiều hơn trong mọi trường hợp để giữ đường giao thông an toàn.
THU PHƯƠNG