.

Đón thời cơ bằng nội lực bền vững

Thông tin mới đây từ Báo Thanh Niên cho biết, năm 2012, thành phố Hồ Chí Minh đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 56% tổng lượng khách đến Việt Nam nhưng con số này giảm so với tỷ lệ hơn 60% của những năm trước đó.

Một lượng khách quốc tế đã dịch chuyển sang các địa phương khác, trong đó có Đà Nẵng, thông qua những chuyến bay trực tiếp đến các tỉnh, thành phố ngoài thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thành phố Hồ Chí Minh không chủ động tìm cách giữ chân khách. Từ câu chuyện này nghĩ về những thời cơ, thách thức đối với Đà Nẵng trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, phát huy nội lực để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bằng những chiến lược mang tính dài hơi, bền vững.

Trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, Đà Nẵng trở thành tâm điểm chú ý của cả nước khi cùng lúc khánh thành hai cây cầu mới, trong đó nổi bật nhất là cầu Rồng - biểu tượng thịnh vượng mới của đô thị miền Trung này. Thêm vào đó là việc Khu du lịch Bà Nà Hills đưa vào vận hành tuyến cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới. Với những công trình mang tính độc đáo, hấp dẫn, Đà Nẵng đang có lợi thế hơn hẳn nhiều địa phương trong cả nước để thu hút du khách.

Nhắc lại câu chuyện cầu quay Sông Hàn, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 6 (bất thường) HĐNĐ thành phố khóa VIII, đã đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện việc cho cầu quay lúc nửa đêm. Mục đích chính là để người dân cũng như du khách thấy nét độc đáo của cây cầu có một không hai ở Việt Nam và cũng để thỏa mãn sự tò mò của du khách. “Có quay 100 năm nữa cũng chẳng sao vì cây cầu thiết kế để quay mà”, ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Từ đó có thể thấy, Đà Nẵng đã có những sản phẩm du lịch mang tính bền vững hơn hẳn các địa phương khác. Cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý thật sự tiếp thêm nội lực mạnh mẽ để thúc đẩy quảng bá du lịch Đà Nẵng. Mở rộng ra, điểm lại những nét nổi bật ở thành phố bên sông Hàn, có thể thấy nhiều công trình độc đáo ở Đà Nẵng rất hấp dẫn du khách như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng tại Bãi Bụt cùng một dải bờ biển trải dài với hàng loạt khách sạn, resort hạng sang.

Nội lực và tiềm năng phát triển du lịch của Đà Nẵng để có thể “cạnh tranh”, hút khách từ các địa phương khác trong cả nước là có. Nhưng cốt lõi là làm sao khai thác nội lực này hiệu quả, cùng với đó là chuỗi các chiến lược bền vững để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Làm sao giữ chân du khách lưu trú dài ngày và buộc họ mở “hầu bao” cho các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng mới là thành quả đích thực. Muốn thế, Đà Nẵng không nên giẫm lại bước đi của thành phố Hồ Chí Minh theo kiểu “chợ đêm Bến Thành dần biến dạng, trở thành điểm ăn uống bình dân chèo kéo du khách và bán hàng giả, hàng nhái. Các điểm mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ có quy mô nhỏ, không thể cùng lúc chứa được nhiều đoàn xe. Chương trình bán hàng miễn thuế không thật sự thu hút du khách do không đa dạng hàng hóa. Gần như không có các điểm vui chơi về đêm”…

Mới đây, một bài báo cũng đã so sánh Đà Nẵng với Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia) về cách làm du lịch. So ra, Đà Nẵng vẫn còn non trẻ so với các địa danh du lịch nổi tiếng này nhưng về nội lực sẵn có thì Đà Nẵng rõ ràng không thua kém là mấy. Biển Đà Nẵng được xếp là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, chuỗi khách sạn - resort đẳng cấp không thiếu sản phẩm 5 sao; hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi cả về đường biển, lẫn đường bộ và đường hàng không… Vậy thì không cớ gì Đà Nẵng không sánh được với các khu du lịch nổi tiếng khác trong nước và ở khu vực. Vấn đề là phát huy nội lực này làm sao cho bền vững. Chiến lược xem dịch vụ du lịch là ngành chính trong cơ cấu kinh tế là hướng đi đúng nhưng để phát huy hiệu quả, Đà Nẵng cần nhiều cú hích mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ là những sản phẩm du lịch “tĩnh” với những công trình độc đáo, khu danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, các khách sạn hạng sang…, mà quan trọng không kém chính là những sản phẩm “động”, gồm các vật phẩm lưu niệm chỉ ở Đà Nẵng mới có; hệ thống nhân lực phục vụ ngành du lịch đạt chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, thân thiện, hòa nhã; một môi trường sạch đẹp, an toàn cho du khách…

Hiện tại, so ra Đà Nẵng vẫn chưa vươn mình ra khỏi tầm quốc gia. Muốn phát triển mạnh mẽ hơn, vươn tầm quốc tế, chắc chắn Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm để đánh thức nội lực và tiềm năng hiện có nhằm phục vụ cho ngành du lịch bền vững trong tương lai.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.