1- Cuối tuần qua, trên mạng lan truyền video clip về việc hàng trăm học sinh một trường THPT ở TP. Hồ Chí Minh xé đề cương môn Sử và lập tức trở thành một trong những đề tài nóng, được bàn tán xôn xao trên mạng và trên một số tờ báo điện tử. Sự việc xảy ra sau khi các học sinh nghe Bộ GD-ĐT công bố thông tin môn Sử không nằm trong các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay.
2- Trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên VTV3 chiều 7-4-2013, có một câu hỏi được người dẫn chương trình đưa ra: Sắp xếp các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Nam Du sao cho phù hợp với các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng? Cả hai thí sinh đều trả lời không đúng câu hỏi, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, trong đó có thí sinh giành chiến thắng cuộc thi tuần. Một thí sinh trả lời Hoàng Sa là của Khánh Hòa, Trường Sa là của Đà Nẵng; thí sinh còn lại trả lời Côn Đảo là của Kiên Giang và Nam Du là của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng nói hơn là phần trả lời sai của một thí sinh lại được đông đảo khán giả vỗ tay, reo hò ủng hộ vì họ cũng cho đó là câu trả lời... đúng (!).
3- Đó là hai câu chuyện buồn diễn ra vào cuối tuần qua. Hai câu chuyện tưởng như khác nhau nhưng thực ra lại rất liên quan nhau: Vấn đề giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay, một liên quan đến môn Sử, một liên quan đến môn Địa, cả hai đều là các môn học thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn.
Cho dù việc xé đề cương môn Sử - theo như lý giải, phân tích của các thầy giáo, các chuyên gia - là do hành động tự phát thiếu suy nghĩ của lứa tuổi học trò, hoặc do học sinh xả được áp lực..., thì nó vẫn phản ánh một điều đã được báo động từ lâu: học sinh rất ngán, không thích học môn Sử. Tương tự như vậy là đối với môn Địa. Chính cách dạy theo kiểu đối phó, chương trình nhàm chán, chủ yếu lấy điểm là chính đã khiến học sinh không mặn mà với môn Địa, với những vấn đề thời cuộc, mà cả hai học sinh trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia đều trả lời sai là một minh chứng. Có lẽ nhiều người không biết nói làm sao khi xem chương trình truyền hình được phát sóng trên phạm vi cả nước này, trách học sinh một thì trách cho những người làm giáo dục mười, thậm chí trăm lần.
Không chỉ Sử, Địa mà đã nhiều năm nay, Văn học cũng là môn học đang bị xem nhẹ. Những con số thống kê đau lòng của các trường đại học sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đã chỉ ra điều đó. Có rất rất nhiều, hàng chục nghìn bài thi môn Sử, môn Địa bị điểm 0; có quá nhiều bài thi Văn học cười ra nước mắt. Dư luận, truyền thông, những người tâm huyết với giáo dục nước nhà đã nhiều lần lên tiếng báo động về thực trạng đáng buồn này từ nhiều năm nay, nhưng đến nay dường như mọi thứ vẫn không lay chuyển. Có nghĩa là, vấn đề dạy và học các môn khoa học xã hội - nhân văn trong các trường phổ thông vẫn dẫm chân tại chỗ.
4- Không khó để tìm câu trả lời vì sao học sinh bây giờ không thích học Sử, Địa. Không phải bản thân môn Sử, môn Địa không hấp dẫn, vấn đề là các môn học đang bị coi thường, từ những người làm giáo dục cho đến xã hội, rồi mới đến các học sinh. Nó thể hiện ở chỗ thời lượng các môn học quá ít, như môn Sử, Địa một tuần chỉ từ 1-2 tiết học, trong khi cách dạy nhàm chán, nghèo nàn, chỉ đơn thuần là thầy đọc - trò chép. Không chỉ vậy, vai trò, vị trí của các môn xã hội này đang bị đặt quá thấp, bị xem là môn phụ trong chương trình giáo dục hiện nay. Ở môn thi đầu vào đại học, các ngành thời thượng hiện nay đều thi các môn tự nhiên, còn môn xã hội (Văn, Sử, Địa) quá ít.
PGS, TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện xã hội đánh mất dần truyền thống dùng Sử học để dạy người, để giáo dục công dân. Còn trong trường học đang bỏ mất dần truyền thống dùng Sử để giáo dục con người. Theo cách nhìn trên, việc học sinh không thích môn Địa cho thấy những người làm giáo dục và nhà trường đang bỏ mất việc dùng Địa để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, yêu biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
5- Có lẽ không thể chần chừ được nữa về một sự thay đổi, đổi mới thật sự chương trình giáo dục, trong cách dạy hiện nay, trong đó có các môn Sử, Địa. Để trước mắt có thể thay đổi nhận thức của cả xã hội về giá trị của môn Sử, môn Địa trong trường học. Để những sự việc đáng tiếc như xé đề cương môn Sử, “Hoàng Sa là của Khánh Hòa”... không còn xảy ra nữa.
THẢO ĐÀ NAM