.

Góp thêm sức, thắp thêm lửa cho Hoàng Sa

Đúng vào ngày kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2013), trang thông tin điện tử của UBND huyện Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) chính thức đi vào hoạt động với tên miền: http://hoangsa.danang.gov.vn. Sự kiện này là một nỗ lực tiếp theo sau rất nhiều nỗ lực liên tục, kiên trì của các ngành, các cấp thành phố trong cuộc đấu tranh khẳng định tính bất khả xâm phạm của vùng biển, đảo và biên giới Việt Nam, mà Hoàng Sa là một bộ phận lãnh thổ quan trọng đặc biệt không thể tách rời.

Việc ra mắt trang thông tin điện tử của UBND huyện Hoàng Sa có ý nghĩa cấp thiết. Một mặt, cung cấp những tư liệu lịch sử, những chứng cứ pháp lý mang tính quốc tế và Nhà nước về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa; mặt khác, đây sẽ là địa chỉ cung cấp và tiếp nhận các thông tin chính thức về các hoạt động, sự kiện, văn bản pháp lý của quần đảo thân yêu của Tổ quốc. Vừa ra mắt, trang thông tin điện tử của huyện Hoàng Sa mới dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Việt, vì vậy sẽ rất cần thiết khi tiếp tục xây dựng trang thông tin này thêm ngôn ngữ tiếng Anh, kể cả tiếng Trung, để công cuộc tuyên truyền chủ quyền Hoàng Sa sâu rộng và phổ biến đến toàn thế giới.

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc.

Công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc là mục tiêu, nhiệm vụ không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong lịch sử Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa là vùng biển đảo đóng vai trò hết sức quan trọng, gắn liền với lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam, gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân vùng duyên hải miền Trung. Từ rất sớm, các nhà nước phong kiến Việt Nam ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Công việc thực thi chủ quyền ở khu vực hai quần đảo này thật sự được bắt đầu khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên nắm quyền... và được tiếp tục trong thời Tây Sơn, triều Nguyễn và các thời kỳ kháng chiến của quân và dân Việt Nam.

Trong những năm gần đây, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền và nhiệt tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng ta đã có được một hệ thống tư liệu tương đối hoàn chỉnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với việc hoàn thiện các văn bản, hệ thống pháp lý, công tác thông tin tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng và đang được triển khai tích cực. Lập trường của chúng ta là chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền bất cứ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình cho đến khi bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm.

Đối với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép hoàn toàn từ năm 1974, nhưng căn cứ vào lịch sử và luật pháp quốc tế, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam khẳng định Hoàng Sa trước sau như một là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vì vậy, vấn đề chủ quyền và việc tổ chức quản lý hành chính luôn được thành phố Đà Nẵng chú trọng. Năm 2004, Đề án tăng cường quản lý Nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa đã được triển khai. Đến năm 2008, UBND huyện Hoàng Sa bắt đầu tuyển dụng công chức hành chính. Đặc biệt, ngày 25-4-2009, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ nhiệm chính thức chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Cùng với công tác tổ chức quản lý hành chính, việc thông tin, tuyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền trên quần đảo này càng đặc biệt quan trọng. Đích đến cuối cùng của công tác tuyên truyền chủ quyền không thể chối cãi của chúng ta đối với quần đảo Hoàng Sa là khơi dậy lòng yêu nước; đồng thời, tuyên truyền, chứng minh cho thế giới và chính người dân Trung Quốc thấy dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với Hoàng Sa.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa hiện nay đang là vấn đề căng thẳng, diễn biến phức tạp thì nguồn thông tin, tư liệu lịch sử chủ quyền của Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng, có giá trị lịch sử và pháp lý không thể chối cãi. Việc tổ chức nghiên cứu, tập hợp, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu và khai thác, phổ biến thông tin rộng rãi, chính thống, có tổ chức là việc làm ý nghĩa mang tính toàn cục. Điều đó càng khẳng định việc thông tin, phổ biến tư liệu lịch sử chủ quyền một cách chính thống, thường xuyên trên website của UBND huyện Hoàng Sa là hết sức cần thiết và kịp thời, một lần nữa khẳng định sự tồn tại mang tính pháp lý của đơn vị hành chính huyện mang tên Hoàng Sa, đồng thời tiếp tục là nơi để công dân Việt Nam ở mọi nơi “tiếp tục gìn giữ và phát huy các di sản ông cha để lại; viết tiếp về Hoàng Sa, góp thêm sức, thắp thêm lửa những trang hào hùng và thắp lên niềm tin bất diệt về chân lý “Hoàng Sa là của Việt Nam”, như lời chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ.

TRẦN HÀ

;
.
.
.
.
.