.

Những sản phẩm từ phòng... máy lạnh

Chuyện sinh viên “nói không” với ký túc xá (KTX) mới được xây khá khang trang, hiện đại cuối cùng cũng có câu trả lời sau khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương có buổi kiểm tra công tác quản lý và sử dụng KTX dành cho sinh viên tại quận Liên Chiểu vào tuần qua.

Mặc dù đơn vị quản lý KTX nêu ra rất nhiều lý do nghe có vẻ rất thuyết phục, đại loại giao thông không thuận lợi, thành phố chưa có tuyến xe buýt đến gần khu vực KTX, và cả lý do tâm lý sinh viên không muốn vào KTX vì sợ “mất” đi sự tự do...; thế nhưng, kỳ thực khi qua công tác kiểm tra thực tế thì mới vỡ lẽ ra lắm điều tồn tại mà dù sinh viên vốn là khách hàng thuộc diện dễ tính nhất cũng khó có thể chấp nhận được. Đó là tình trạng cả tầng lầu sử dụng chung một khu vệ sinh, phòng có diện tích chỉ có 25 mét vuông nhưng được bố trí đến 8 sinh viên. Ngoài ra còn nhiều bất tiện khác như cửa ra vào, cửa sổ được lắp kính trong suốt, khóa cửa bị hư hỏng... Nhiều sinh viên khi đến xem để chuẩn bị thuê phòng tại KTX đã bị “dội gáo nước lạnh” vì xây như thế thì làm sao ở được, nhất là với nữ sinh viên là quá bất tiện. Vì vậy phải đành “bổn cũ soạn lại” là ra nhà dân thuê phòng cho dù giá đắt hơn, điều kiện ăn ở không ổn định. Không hiểu đơn vị tư vấn thiết kế đã suy nghĩ gì khi đưa ra sản phẩm như vậy?

Bài học mang tính “vỡ lòng” đối với tất cả những người làm công tác tư vấn thiết kế nói riêng và trên tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung là sản phẩm mình đưa ra phải sử dụng được.

Thế nhưng, ở đây hình như đơn vị tư vấn thiết kế đã... không nhớ được điều cốt lõi này. Điều ngạc nhiên là những sản phẩm được làm ra từ... phòng máy lạnh - nói theo cách của giới truyền thông gần đây, tức là không gắn với thực tế - lại khá phổ biến, tương tự kiểu như cách truyền thông gọi cách làm luật thời gian gần đây của một số bộ, ngành Trung ương là ngồi trên... trời mà làm chính sách.

Một ví dụ trước đây trong ngành y tế cũng có tình trạng này, khi có khá nhiều phòng mổ được xây dựng theo mô hình “chìa khóa trao tay”, đến khi nhận chìa khóa các bệnh viện mới tá hỏa vì không thể sử dụng được vì phòng mổ mà giống như một... phòng học. Đặc biệt, trong lĩnh vực rất cần thông tin thực tế như đê điều là về sức gió, độ xâm thực của thủy triều... vẫn có sản phẩm làm từ phòng máy lạnh như chuyện bờ đê chắn sóng của đường Nguyễn Tất Thành là một ví dụ. Khi bão năm 2009 đánh vỡ tuyến đê chắn sóng đường Nguyễn Tất Thành, lúc đó mọi người mới té ngửa đê chắn sóng mà chỉ toàn đá hộc chứ không có... cốt thép. Dư luận lên án mạnh mẽ chuyện này, đến lúc này đại diện đơn vị tư vấn thiết kế mới giải thích “chúng tôi không lường hết được bão lại đến cấp 9 cấp 10” (?).

Gần đây là câu chuyện lớp nhựa đường trên cầu dây võng Thuận Phước cứ “trồi sụt” mãi khiến các phương tiện qua lại rất dễ bị tai nạn. Sau nhiều lần xử lý kết quả cũng không khả quan, cuối cùng nhà thầu mới thú thực là công nghệ mới quá và đặc biệt là nhiệt độ trên cầu lúc giữa trưa lên đến 60-70 độ khiến nhựa đường nóng chảy không bám vào mặt cầu được. Dư luận thì nêu vấn đề ngược lại: Thế tại sao trước khi thi công lại không “cân, đo, đong, đếm” trước mọi khả năng để có phương án thi công phù hợp hơn, chất lượng hơn và hẳn nhiên là sẽ tiết kiệm hơn (so với việc đập phá nhiều lần để sửa chữa). Câu trả lời chính xác ở đây chính là sản phẩm này được “xuất xưởng” từ những phòng máy lạnh nên mới ra nông nổi này. Tiếc rằng hiện nay những sản phẩm từ những phòng máy lạnh như thế lại xuất hiện khá nhiều...

THANH THU
 

;
.
.
.
.
.