Chữ hiếu là đạo lý hàng đầu của người Việt. Phận con cái, phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng, bảo vệ, không được làm tổn thương, bại hoại thanh danh của mẹ, nhất là đối với Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Ấy thế mà, trong những năm qua, ông Trần Công Minh (ở 29 Nguyễn Thông) luôn đưa mẹ mình là Mẹ VNAH Phạm Thị Lành ra làm áp lực để khiếu kiện đòi nhà tình nghĩa, dù trong việc giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư, gia đình ông được hưởng sự ưu đãi vượt trội so với nhiều gia đình chính sách khác.
Sáng 17-12-2009, khi chúng tôi cùng một số cán bộ Văn phòng UBND thành phố và quận Sơn Trà, phường An Hải Tây đến nhà mẹ Lành vừa được xây dựng xong trên hai lô đất liền kề ở đường Nguyễn Thông, mẹ Lành nhắc đi nhắc lại nguyện vọng đã từng bày tỏ với Chủ tịch UBND thành phố trong buổi tiếp và làm việc với gia đình vào ngày 9-7-2008: “Mẹ chỉ mong có một lô đất để làm nhà ở, thờ cúng chồng, 2 liệt sĩ và nếu được thì bố trí thêm một lô đất nữa cho con trai của mẹ”. Tuy nhiên, lúc đó, ông Minh vẫn một mực yêu cầu bố trí lại căn nhà tình nghĩa đã hứa xây dựng, được thể hiện trong Công văn số 3216 ngày 30-5-2008 của UBND thành phố. Các cán bộ Văn phòng UBND thành phố giải thích rằng, Công văn số 3216 đã hủy bỏ trong buổi tiếp và làm việc với gia đình ngày 9-7-2008 và thể hiện rõ trong Công văn số 4946 ngày 18-8-2008, thì ông Minh một mực không chịu.
Nhắc lại chuyện này để thấy rằng, trong những năm qua, ông Minh đã lợi dụng chính sách đối với mẹ để khiếu kiện, chứ mẹ Lành không hề có chủ ý khiếu kiện. Mạo danh, lợi dụng mẹ mình để mưu đồ lợi ích cá nhân là hành vi cực kỳ bất hiếu. Và cũng trong những năm qua, các cơ quan giải quyết khiếu kiện đều không chấp nhận những đòi hỏi của ông Minh nhưng ông ta vẫn không chịu và đưa ra những đòi hỏi hết sức vô lý.
Hành vi đưa mẹ già chắn trước xe đậu đỗ trái phép cùng một can xăng để cản trở lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ, bất chấp an toàn tính mạng và sức khỏe của mẹ mình cũng đã chà đạp lên tình mẫu tử thiêng liêng, trái với đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Rất may lúc đó, có một số phụ nữ đã kịp thời dìu mẹ Lành ra khỏi hiện trường và đưa đến Trung tâm Y tế quận Sơn Trà để bảo đảm an toàn cho mẹ. Với hiện trường có nhiều tình huống mất an toàn như thế, không đưa mẹ đi, lỡ xảy ra sự cố thì không chỉ có tội lớn với mẹ mà còn với đất nước. Việc làm này xứng đáng nhận được lời cảm ơn từ gia đình. Thế mà vợ ông Minh “lấy oán trả ơn” bằng cách tìm đến nhà những cán bộ này chửi bới, đánh người. Còn ông Minh gửi đơn tố cáo lên Viện KSND quận Sơn Trà và cơ quan cảnh sát điều tra với cớ bắt giữ người trái pháp luật. Đây là việc làm trái với đạo lý, tán tận lương tâm của ông Minh.
Với hành vi để mẹ ở Trung tâm Y tế quận Sơn Trà suốt một tháng qua mặc dù không có bệnh nhằm gây áp lực với chính quyền, quả thực ông Minh quá tàn nhẫn. Thậm chí, trong buổi tiếp xúc, đối thoại với UBND quận Sơn Trà vào chiều 11-7, khi được thông báo rằng, nếu gia đình không đưa mẹ về nhà thì chính quyền sẽ đưa mẹ đến Trung tâm Phụng dưỡng người có công thành phố để chăm sóc, phụng dưỡng, ông Minh tuyên bố: “Việc đưa mẹ đi ở đâu là quyền của lãnh đạo và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn gia đình tôi không dám quyết định”. Nghe những lời này, những người dự họp đều bàng hoàng, không thể tin đây là lời nói của người con trai đối với người đã rứt ruột đẻ mình ra.
Dư luận mong muốn rằng hơn lúc nào hết, ông Minh cần suy nghĩ lại những hành động và cách đối xử của mình với mẹ. Bởi mẹ đã cao tuổi, số năm tháng mẹ sống với gia đình không còn nhiều. Việc cần kíp nhất là đưa mẹ về nhà để bảo đảm sức khỏe. Ông Minh hãy sớm soi mình và đưa mẹ về để giữ trọn chữ hiếu trước khi quá muộn.
HOÀNG HIỆP