Đà Nẵng đang có ý định thực hiện diễn tập ứng phó với tình huống xuất hiện ca nghi nhiễm Ebola trên địa bàn thành phố, thì trưa thứ bảy vừa qua (ngày 1-11), một người từ Guinea (vùng dịch) trở về Việt Nam, đến Đà Nẵng và phát sốt, khiến cả ngành y tế được đặt trong tình thế không cần “diễn” mà phải thực hành luôn tình huống thật.
10 giờ 30 ngày 1-11, bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ trong tình trạng sốt cao. 11 giờ 30, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. 14 giờ, người đứng đầu ngành y tế Đà Nẵng tổ chức họp khẩn cấp với đủ các thành phần của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố ngay tại bệnh viện - nơi đang điều trị bệnh nhân nghi nhiễm Ebola.
Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu toàn ngành xem đây như một ca Ebola thật sự. Thái độ nâng mức cảnh giác ngay từ đầu đối với người nghi nhiễm là biện pháp giúp hạn chế lây nhiễm cho cán bộ y tế và cộng đồng trong trường hợp nếu đúng người bệnh có mang virus Ebola.
Song song với cuộc họp khẩn, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cũng được cán bộ y tế Đà Nẵng mang ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương theo đường hàng không. Trong khi đó, các xét nghiệm để xem xét khả năng bệnh nhân có thể sốt do những bệnh lý khác tiếp tục được thực hiện tại Đà Nẵng.
Khoảng thời gian từ lúc lấy mẫu bệnh phẩm cho đến khi có kết quả xét nghiệm đầu tiên trong cùng ngày diễn ra đầy hồi hộp. Tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố chiều thứ bảy vắng ngắt vì tất cả sở, ngành hoạt động tại đây đều nghỉ cuối tuần. Thế nhưng, riêng tầng 23 của tòa nhà là trụ sở của Sở Y tế thì không khí nóng hơn bao giờ hết. Có thể nói, các cán bộ Sở làm nhiệm vụ liên quan đến phòng chống dịch Ebola đã có một ngày làm việc hết công suất để theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân, đồng thời thực hiện việc thông tin liên lạc về tình hình ca nghi nhiễm giữa ngành với UBND thành phố và Bộ Y tế.
21 giờ 30 ngày đầu tiếp nhận bệnh, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Phó Giám đốc Sở Y tế - nhắn tin cho phóng viên thông báo về kết quả đầu tiên: Bệnh nhân dương tính với sốt rét. Không giấu cảm giác hồi hộp, bác sĩ Yến còn chia sẻ: “Chúng tôi trông từng giờ, từng phút để biết kết quả xét nghiệm”.
Kết quả dương tính với sốt rét đã phần nào giúp “giảm nhiệt” trong tình hình toàn thành phố và cả nước đang đổ dồn về một trường hợp đầu tiên nghi Ebola tại Đà Nẵng. Nhưng như bác sĩ Yến đã nói, bệnh nhân sốt rét cũng không đồng nghĩa với việc không bị nhiễm Ebola.
Ngày 2-11, kết quả chính thức từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết bệnh nhân không nhiễm Ebola. Mọi người thở phào sau “cuộc diễn tập” bất ngờ và căng thẳng.
Dù đối mặt với tình huống thật, không phải là kiểu được lên kịch bản trước như diễn tập thông thường, nhưng ngành y tế Đà Nẵng đã cho thấy sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng giữa các bộ phận liên quan trong công tác ứng phó với dịch Ebola. Không chỉ Bệnh viện Đà Nẵng đảm nhận nhiệm vụ chính chữa trị cho bệnh nhân, mà các đơn vị khác như: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Bệnh viện Phụ sản - Nhi cũng khẩn trương với phần việc của mình từ xử lý môi trường, rà soát người từng tiếp xúc với bệnh nhân đến chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị, hóa chất, thuốc điều trị.
Thêm một điều đáng nói qua đợt “thử lửa” này là cách cung cấp thông tin cho báo chí của Đà Nẵng trước dịch Ebola. Việc Đà Nẵng phát hiện ca nghi nhiễm Ebola trở thành tin nổi bật, nóng nhất trên hầu hết các báo, đài Trung ương và địa phương trong hai ngày qua. Dù nhiều báo đưa tin, nhưng có thể thấy thông tin không có sự sai lệch giữa các báo. Đơn giản vì Ban chỉ đạo phòng chống dịch Đà Nẵng đã cung cấp thông tin rất chi tiết, kịp thời và cởi mở.
THU HOA