Thời sự và bàn luận

Bài toán thu hút đầu tư

08:10, 31/03/2015 (GMT+7)

Thu hút đầu tư chưa hiệu quả, chưa tạo đột phá và làm đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn là vấn đề nóng nhất tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 20 mở rộng.

Nghịch lý là dẫu môi trường thu hút đầu tư của Đà Nẵng luôn được đánh giá ở top đầu, khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ngoạn mục quay lại dẫn đầu cả nước, nhưng vấn đề mấu chốt là vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn lựa chọn Đà Nẵng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điều hành thảo luận và truy “nóng” các sở, ngành liên quan, người đứng đầu thành phố phải liên tục nhắc nhở là không được nói chung chung mà phải đi thẳng vào vấn đề; phải trả lời câu hỏi vì sao dẫn đến kết quả không mong muốn đó và giải pháp để thực hiện. Bởi lẽ, thành phố đã tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhưng cuối cùng thì không thấy sự chuyển biến đáng kể, chưa thấy tín hiệu khởi sắc trong thu hút đầu tư. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lớn với năng lực vốn hàng tỷ USD đã được các địa phương khác mời gọi thành công. Đây rõ ràng là bài toán cần tập trung tháo gỡ kịp thời. Nếu chậm, chắc chắc ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế của thành phố.

Phải nhìn nhận rằng, chiến lược phát triển kinh tế của Đà Nẵng là tập trung ưu tiên phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp công nghệ, công nghệ thông tin (CNTT)… Vì vậy, thành phố không mời gọi và đã khước từ một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dù vốn đầu tư rất lớn. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, Đà Nẵng đã trải “thảm đỏ” với nhiều ưu đãi vượt trội. Chiến lược này đã kích thích làn sóng đầu tư vào Đà Nẵng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch.

Thực tế, những năm qua thu hút đầu tư vào Đà Nẵng khởi sắc do đóng góp của các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch. Hàng loạt dự án du lịch cao cấp đã được đầu tư, triển khai, nhất là căn hộ cao ốc, các khu giải trí, vệt khách sạn, resort nghỉ dưỡng ven biển. Hầu hết các “khu đất vàng” ở trung tâm thành phố, những tuyến đường sầm uất ven sông, ven biển đều có chủ. Tuy vậy, đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư thực hiện ý đồ “xí phần” những “khu đất vàng” ven biển và trung tâm thành phố nhưng lại thiếu năng lực thực hiện dự án. Điều này gây trở ngại trong việc xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư mới có năng lực hơn đầu tư.

Khó khăn nữa đặt ra là hạ tầng khu công nghệ cao vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, thành phố cũng đang chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ Khu Công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Trong khi đó, dự án Khu CNTT số 1, nhà đầu tư chưa thực hiện cam kết thực hiện dự án. Đây là nút thắt lớn, tạo trở lực trong việc đẩy nhanh thực hiện các dự án phát triển ngành CNTT và công nghệ cao của thành phố trong thời gian qua.

Mặc dù Đà Nẵng được gọi là thành phố đáng sống nhưng vấn đề đặt ra là muốn thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước thì phải nỗ lực cải thiện hình ảnh của Đà Nẵng hơn nữa. Song song đó, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là yếu tố then chốt để có thể kêu gọi những dự án lớn. Bởi nhà đầu tư sẽ tính toán thiệt hơn về thời gian khi nơi sắp đầu tư không phát triển các ngành phụ trợ đi kèm. Thêm vào đó, hoạt động xúc tiến đầu tư hiện còn phân tán, chưa có chiến lược và sự phối hợp vận động hiệu quả. Cũng có một phần nguyên nhân do thiếu kinh phí tổ chức xúc tiến sâu rộng ở nhiều thị trường tiềm năng. Đây là hạn chế cần sớm tháo gỡ.

Để vực dậy thu hút FDI và vốn trong nước thì những vấn đề tuy rất cũ nhưng không thể bỏ qua, đó là cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn hơn là điều cần rà soát kỹ hơn. Bên cạnh đó, cần tìm cách phá vỡ những rào cản từ tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, kích thích sự phối hợp mang tính khu vực của vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung. Đặc biệt, nhanh chóng đề xuất dự án mở rộng, phát triển sân bay quốc tế Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng tương xứng với vai trò thành phố động lực khu vực, là đầu mối giao thương quốc tế.

DIỆU MINH

.