Thời sự và bàn luận
Lắng nghe dân
Mong muốn Đảng sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, đề ra sách lược, đường lối lãnh đạo đúng đắn, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho địa phương.
Đó là những ý kiến tâm huyết được ghi nhận tại Hội nghị lấy ý kiến của đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, đại diện các tầng lớp nhân dân góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ quận Thanh Khê do Thường trực Quận ủy và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận vừa tổ chức.
Theo Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), việc lấy ý kiến của nhân dân là việc phải thực hiện trong quy trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội. Song, cách tổ chức hội nghị trang trọng, nghiêm túc được các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân đánh giá cao. Đây là thái độ cầu thị, mong muốn ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, những hiến kế đầy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đóng góp cho Đảng.
Người dân kỳ vọng một nhiệm kỳ mới của Đảng bộ sẽ đặt ra mục tiêu, giải pháp đúng đắn, mở ra một thời kỳ tăng tốc phát triển địa phương bền vững trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ý kiến góp ý của nhân dân đề nghị cần trung thực, khách quan, đánh giá đúng thực chất kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm chưa khắc phục được của nhiệm kỳ vừa qua.
Việc đánh giá thực chất nhằm tránh “bệnh” thành tích, đưa vào những con số cao hơn thực tế để báo cáo cho hay, cho kêu, còn hạn chế, khuyết điểm của nhiệm kỳ thì giảm nhẹ đi. Một người dân tham gia góp ý kiến cho rằng nếu cứ nâng thành tích cao hơn so với thực tế và giảm nhẹ khuyết điểm, hạn chế sẽ dẫn đến thái độ chủ quan cho cán bộ, đảng viên khi toàn thấy thành công và thành tích của nhiệm kỳ.
Mặt khác, nhân dân sẽ đặt dấu hỏi về tính trung thực, khách quan của báo cáo. Một nội dung quan trọng trong các dự thảo văn kiện đại hội được người dân rất quan tâm, đó là những đánh giá cụ thể về mức độ tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi lãnh đạo của Đảng bộ; đánh giá kết quả, hiệu quả, nguyên nhân của thành công và hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng bộ…
Dự thảo văn kiện sẽ trở thành nghị quyết của Đại hội Đảng để đi vào cuộc sống. Nghị quyết của Đảng cần xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, từ ý kiến góp ý, từ những hiến kế của nhân dân và từ bài học kinh nghiệm lãnh đạo đúc rút của nhiệm kỳ trước. Do vậy, cần đánh giá đúng thực chất, khách quan, công bằng, mạnh dạn, thẳng thắn cả mặt thành công và hạn chế nhằm duy trì, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nhân dân không chỉ quan sát thái độ lắng nghe góp ý cho văn kiện đại hội Đảng. Nhân dân sẽ giám sát thái độ tiếp thu ý kiến góp ý như thế nào, có thể hiện trong báo cáo chính thức của đại hội hay không, đồng thời giám sát nghị quyết đại hội đi vào đời sống như thế nào.
Chỉ có những nghị quyết xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra mới tiếp tục đi vào đời sống của nhân dân. Nếu lắng nghe chỉ để lắng nghe thì nghị quyết ấy sẽ chỉ là văn bản giấy đọc tại đại hội mà thôi. Thật khó có được những ý kiến tâm huyết, những hiến kế đầy trách nhiệm ở những lần tiếp theo nếu Đảng không thực sự cầu thị.
HOÀNG ANH