Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng đã “cán đích” thành công Đề án Số hóa truyền hình và chính thức công bố ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang truyền hình số chuẩn DVB-T2 vào ngày 1-11, sau khi có sự điều chỉnh từ thực tế triển khai đề án.
Như vậy, so với lộ trình đề ra, Đà Nẵng đã hoàn thành số hóa truyền hình trước 4 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ) và sớm hơn thời hạn 1 tháng so với quy định của Chính phủ. Không chỉ là thành phố đầu tiên của Việt Nam mà Đà Nẵng còn là thành phố đầu tiên trong khu vực ASEAN thực hiện thành công số hóa truyền hình.
Ngoài các yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, trình độ dân cư thì yếu tố quan trọng để đạt được thành công đó là sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan quản lý và người dân trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý, chỉ riêng việc Đà Nẵng hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo và cận nghèo cũng là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác học tập. Từ hơn 15.000 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố, qua công tác rà soát, Đà Nẵng đã chốt lại danh sách với 5.788 hộ được hỗ trợ đầu thu.
Đây là công việc không hề dễ dàng vì làm sao để đảm bảo tính công bằng cho người dân, làm sao chốt lại danh sách theo đúng thời hạn đòi hỏi sự vào cuộc rất lớn của các sở, ngành và các quận, huyện. Ngoài 745 hộ nghèo được hỗ trợ đầu thu theo chuẩn của Trung ương, Đà Nẵng còn thực hiện hỗ trợ đầu thu cho 5.043 hộ theo chuẩn riêng của thành phố gồm: hộ nghèo không còn sức lao động, hộ đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào dân tộc Cơtu.
Đây là quyết sách kịp thời, đúng đắn của thành phố nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân ở địa phương đều được xem truyền hình với chất lượng như nhau. Nhiều lần theo chân đoàn lắp đặt đầu thu truyền hình số về các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, chúng tôi đã bắt gặp không ít ánh mắt vui mừng, những lời cảm ơn chân tình của đồng bào dân tộc, của các hộ dân nghèo gởi đến lãnh đạo thành phố khi được xem truyền hình số với chất lượng tốt hơn và nội dung phong phú hơn.
Vượt qua nhiều khó khăn về địa hình, thời tiết, sự “thúc giục” về thời gian, tính đến nay, Đà Nẵng đã lắp đặt cho 5.644/5.788 hộ với chất lượng thu xem truyền hình đảm bảo. Trước đây, với sóng truyền hình tương tự (analog), người dân chỉ được xem vỏn vẹn vài kênh truyền hình với chất lượng không đảm bảo, tín hiệu hay bị chập chờn, ti-vi thường xuyên nổi “hạt mè”. Thế nhưng giờ đây, khi chuyển sang truyền hình số, người dân Đà Nẵng đã xem được nhiều kênh truyền hình quảng bá của địa phương và Trung ương với nội dung phong phú và chất lượng tốt hơn.
Các chuyên gia cho rằng, Đề án Số hóa truyền hình tại Đà Nẵng “cán đích” thành công là do thành phố đã thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng, chia ra từng giai đoạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý tại địa phương cũng như giữa Đà Nẵng với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Theo đó, vào ngày 1-7, Đà Nẵng đã ngừng phát sóng 3 kênh truyền hình tương tự gồm VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1 để người dân mua sắm dần trang thiết bị chuyển sang sử dụng truyền hình số mặt đất. Điều này ảnh hưởng tích cực đến việc triển khai Đề án Số hóa truyền hình tại Đà Nẵng theo đúng lộ trình đề ra. Theo số liệu thống kê của Cục Tần số vô tuyến điện, chỉ trong vòng 1 tuần kể từ ngày 1-7, tại khu vực Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, đã có thêm 25.000 hộ dân chuyển sang sử dụng truyền hình số mặt đất và tính đến nay đã có 100.000 hộ dân chuyển đổi hình thức thu xem.
Số liệu thống kê từ Sở TT&TT, vào đầu tháng 7 đã có khoảng 25% hộ dân trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi việc Đà Nẵng triển khai ngắt sóng analog 3 kênh VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1. Tuy nhiên đến ngày 1-11, khi Đà Nẵng ngắt toàn bộ sóng tương tự thì chỉ còn khoảng 5% hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu tập trung ở các xã vùng núi do việc dùng trạm bù sóng không hiệu quả. Đối với những hộ dân này, Bộ TT&TT và Đà Nẵng sẽ tiếp tục đề xuất giải pháp phát truyền hình vệ tinh trong thời gian tới.
Từ thực tiễn thành công đó, có thể thấy rằng, bài học lớn nhất là xây dựng chính sách vì lợi ích của người dân và triển khai những chính sách một cách phù hợp với thực tiễn, để thực sự nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong sự phát triển kinh tế-xã hội chung…
HOÀNG HÂN