Thời sự và bàn luận
Có một dạng "trốn" nên xem là tham nhũng?
Ngày 7-12, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Trong đó, mục 2 có nêu rõ: Các hành vi tham nhũng phải được quy định thống nhất trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng; các trường hợp có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm toán phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra; quy định cụ thể trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Một điểm khác ở mục 4 nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.
Định hướng này sẽ được các cơ quan chức năng cụ thể hóa về các hành vi tham nhũng và công tác điều tra, xử lý trong thời gian đến.
Đáng chú ý là mới đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ban, ngành có liên quan như cơ quan chống tham nhũng cùng với ngân hàng sớm ban hành các quy định về việc kiểm tra, giám sát và phong tỏa tài khoản các đối tượng đang bị điều tra trong các vụ án tham nhũng để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.
Đây là việc làm không mới, vì nhiều nước đã áp dụng triệt để biện pháp này để đấu tranh, ngăn chặn không làm thất thoát tài sản do hành vi tham nhũng mà có. Nếu chúng ta áp dụng triệt để thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tài sản bị thất thoát qua hệ thống ngân hàng do tham nhũng mà có.
Trước đây, chúng ta cũng có quy định những người có số tiền gửi các ngân hàng từ 500 triệu đồng trở lên cũng nằm trong diện quản lý theo dõi. Các tài khoản giao dịch bị nghi ngờ cũng có thể nằm trong tầm kiểm soát, để đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm quốc tế, bọn buôn lậu và cũng ngăn ngừa đấu tranh với các hành vi tham nhũng…
Đó là nói ở khía cạnh chung về hành vi buôn lậu, tham nhũng. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, người viết bài này thấy có một vấn đề cần nêu lên, để các cơ quan chức năng có biện pháp cụ thể xử lý nhằm không để thất thoát tài sản của Nhà nước, đó là: Hành vi trốn thuế và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhiều cá nhân, đơn vị.
Theo thống kê của các cơ quan quản lý, hiện nay số nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trốn thuế trong phạm vi cả nước lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ! Nó trực tiếp gây thất thoát ngân sách Nhà nước, gây khó khăn phức tạp cho cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến sự an toàn của chính sách an sinh xã hội trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, hai khoản trốn nợ này hiện chúng ta chưa xử lý rốt ráo, chưa có biện pháp mạnh. Có địa phương thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để gây ảnh hưởng cho đơn vị, buộc phải nộp số tiền nợ.
Nhưng thực tế kết quả đó chưa nhiều, vì những đơn vị trốn nợ thường tìm mọi cách để “tránh” hoặc không nộp hoặc chiếm dụng để kinh doanh, sản xuất… Trong khi đó nhiều cá nhân, doanh nghiệp làm ăn vẫn phát đạt, các tài khoản ở ngân hàng có nguồn tiền dồi dào, hoạt động rất mạnh mẽ, ấy vậy mà cơ quan thuế, cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chỉ ra thông báo kêu gọi tự nguyện nộp, hoặc cùng lắm khởi kiện lên tòa án trong một thời gian rất dài. Đôi khi đành trắng tay vì lúc ăn nên làm ra họ không nộp ta không có biện pháp thu hồi đến khi có chế tài thu hồi thì họ đã phá sản.
Nên chăng chúng ta cũng coi hành vi trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng là hành vi làm thất thoát tài sản Nhà nước, hoặc là hành vi tham nhũng để có những chế tài mạnh trong việc giám sát, thu hồi thông qua các tài khoản ở các ngân hàng.
Cách làm này thể hiện rất rõ trong tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW đã nêu là “phải áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...”. Bởi mục tiêu của chúng ta là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, nhưng phải minh bạch thông tin, minh bạch về các khoản nghĩa vụ mà họ phải thực hiện đối với Nhà nước và đối với người lao động.
Nếu họ chây ỳ, tìm mọi cách lẫn tránh thì áp dụng biện pháp mạnh thu hồi ngay các khoản nợ cũng là cách làm hiệu quả nhằm tạo ra sự công bằng trong hoạt đông kinh doanh, sản xuất.
Mặt khác, mục đích cuối cùng của chúng ta trong đấu tranh chống tham nhũng nói chung, trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là làm trong sạch môi trường kinh doanh, sản xuất, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước và của người lao động.
TUYẾT MINH