.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội

.

Không có cảnh chen lấn hỗn loạn tranh cướp lộc, không có những người đi lễ “bất kính” nhảy lên cả ban thờ để thắp hương, không có hành vi “hối lộ” thánh thần bằng tiền lẻ, không có người ăn xin, không có những hình ảnh phản cảm, phản văn hóa tâm linh... Đó là nét đẹp trong văn hóa lễ hội dân gian được ghi nhận từ đầu năm ở Đà Nẵng.

Cũng như nhiều địa phương khác, sau Tết Nguyên đán, Đà Nẵng bước vào mùa lễ hội dân gian, chủ yếu là các lễ hội làng Túy Loan, lễ hội đình làng Hòa Mỹ, lễ hội đình làng An Hải, lễ cầu ngư… và lễ hội mang màu sắc tôn giáo là Lễ hội Quán Thế Âm.

Tại đây, nghi thức tâm linh chủ yếu là nghi thức cầu quốc thái dân an, tri ân các vị tiền hiền có công khai đất lập làng, cúng tổ nghề, cầu cho mưa thuận gió hòa. Phần hội là những hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống.

Hình ảnh đẹp tại lễ hội là những người tham gia một cách tôn ti trật tự, thể hiện lòng thành kính của mình đối với chư phật, thần thánh, tổ tiên, người có công với nước, với làng. Ai cũng hiểu rằng thần phật, hương linh tổ tiên ông bà, tổ nghề không ban quyền lợi vật chất mà chỉ khuyến khích mọi người hướng thiện, “gieo nhân tốt sẽ nhận quả tốt” và đặc biệt là không chấp nhận hành vi “hối lộ” để xin lợi ích vật chất.

Cúng tiền công đức cũng đúng nơi đúng chỗ và tùy tâm với mục đích góp chút lòng thành tu bổ cơ sở thờ tự. Người đi lễ hội đầu năm với tâm trạng nhẹ nhàng, vui tươi, mong cầu một năm mới an lành, hạnh phúc cho gia đình, thành công trong cuộc sống. Không ai cầu những điều xuất phát từ lòng tham mà có bởi vì điều đó viển vông, không tưởng.

 Từ nhận thức này mà tại các lễ hội đình làng truyền thống ở Đà Nẵng nổi bật ở nét đặc trưng uy nghiêm, tôn kính trong phần lễ; vui tươi sôi nổi, hấp dẫn trong phần hội. Không có cảnh chen lấn hỗn loạn tranh cướp lộc, không có những người đi lễ “bất kính” nhảy lên cả ban thờ để thắp hương, không có hành vi “hối lộ” thánh thần bằng tiền lẻ, không có người ăn xin…

Là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia, lễ hội Quán Thế Âm tại quận Ngũ Hành Sơn hằng năm đón đến 50.000 lượt khách thập phương tham dự nhưng công tác tổ chức dần mang tính chuyên nghiệp.

Từ nhiều năm qua, đây không chỉ là sự kiện văn hóa tâm linh nổi tiếng cả nước mà còn là một lễ hội “5 không” (không có trộm cắp, cướp giật, móc túi, không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác bừa bãi, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không nâng giá giữ xe, không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, hoạt động mê tín dị đoan) được du khách đánh giá cao.

Nhiều du khách nhận xét: Đi lễ hội Quán Thế Âm ở Đà Nẵng thực sự làm cho tâm trạng con người nhẹ nhàng và có mong muốn hướng thiện. Lễ hội của thành phố không chỉ định hình một sản phẩm du lịch mà còn là nét đẹp văn hóa tâm linh của thành phố.

Chúng ta-những người dân Đà Nẵng cảm thấy tự hào được sống ở thành phố có những lễ hội văn hóa tâm linh “sạch sẽ” - đúng nghĩa từ môi trường đến tư tưởng tâm linh. Với niềm tự hào ấy, mỗi người dân thành phố cần chung tay gìn giữ nét đẹp này như một bản sắc văn hóa của thành phố đáng sống.

ĐAN LÊ

;
.
.
.
.
.