Mấy ngày nay, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là việc nhiều trung tâm bảo trợ trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động không hiệu quả và có nguy cơ tạm dừng hoạt động do thiếu kinh phí (Báo Đà Nẵng số ra ngày 3-3, 4-3, 5-3 và 7-3 đăng tải tuyến bài “Trung tâm Bảo trợ trẻ em tại Đà Nẵng: Mạnh ai nấy làm!). Trong khi người lớn vẫn đang loay hoay chưa tìm ra câu trả lời cho bài toán nguồn lực, cách thức hoạt động, thì số phận của hàng trăm trẻ em mồ côi, bất hạnh chưa biết về đâu.
Chỉ vài năm trước, tại Đà Nẵng, nhiều trung tâm bảo trợ trẻ em ồ ạt mọc lên. Hễ tổ chức hội, đoàn thể nào xin được nguồn tiền tài trợ (hầu hết từ các tổ chức phi chính phủ) thì thành lập trung tâm “nuôi” trẻ. Tất nhiên không thể phủ nhận công sức, tâm huyết của họ trong việc nuôi dưỡng không ít trẻ em bất hạnh trưởng thành, có việc làm ổn định.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận việc nuôi trẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy chi tùy theo thực lực của mỗi đơn vị. Đơn vị nào tiền bạc rủng rỉnh thì trẻ được “nhờ” với thực đơn phong phú, chương trình học đầy đủ, đúng chuẩn.
Đơn vị nào gặp khó hoặc kêu gọi tài trợ không được nhiều thì bữa ăn của trẻ bị “bóp” lại. Có xót xa không khi một bữa ăn hiện nay ở nhiều nơi được xem là “mái ấm” của trẻ bất hạnh chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng. Thậm chí, tại một số nơi, các em còn bị đánh, mắng...
Trong khi bữa ăn của trẻ, đối tượng chính được hỗ trợ từ các dự án, đang ngày càng teo tóp, đồng thời nguồn tài trợ vẫn đang oằn mình nuôi bộ máy chăm sóc trẻ, thì có những trung tâm chỉ lác đác vài ba trẻ mà có đến 3-4 người nhận nhiệm vụ chăm sóc các em.
Như vậy, chỉ riêng khoản tiền dành để trả lương cho người lớn cũng đã “ngốn” hết phần lớn chi phí từ nguồn tiền dự án, vậy thì lấy đâu ra kinh phí để cải thiện bữa ăn và những nhu cầu tối thiểu khác của trẻ? Để có đủ trẻ đưa vào trung tâm, những đơn vị này phải đi vận động, thuyết phục gia đình và các em, thậm chí cả những em ở địa phương khác để đưa vào đây “chăm sóc” (!?). Vậy các trung tâm thành lập để giúp những đứa trẻ đáng thương hay nhằm phục vụ người lớn?
Hiện nay, tại Đà Nẵng, ngoài 1 cơ sở công lập, có đến 10 cơ sở ngoài công lập đảm nhận việc nuôi dưỡng gần 600 trẻ bất hạnh, mồ côi. Trước xu hướng nguồn viện trợ, tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, cá nhân hảo tâm đang giảm dần thì số trẻ mồ côi, bất hạnh có nhu cầu vào sống trong các trung tâm bảo trợ trẻ em ngày càng ít, Đà Nẵng cũng đã có chủ trương hạn chế việc thành lập mới các trung tâm bảo trợ trẻ em trực thuộc các hội.
Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục đơn vị đang nuôi trẻ theo kiểu dự án, thời gian là 5 năm, 10 năm…, trong đó có nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, sống “thoi thóp”.
Dự án chỉ mang tính giai đoạn và sẽ đến hồi kết thúc, nhưng cuộc đời, tương lai của những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, khuyết tật cần những tấm lòng rộng mở, những vòng tay của người lớn, của cộng đồng để tiếp tục cuộc sống bình thường, có ích đến trọn đời.
Thiết nghĩ, lãnh đạo thành phố và cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, xây dựng phương án giải thể, sáp nhập những trung tâm chăm sóc trẻ thiệt thòi, khuyết tật hoạt động không hiệu quả, không có kinh phí, từng bước hạn chế và cắt giảm việc nuôi trẻ theo dự án; đồng thời đề ra những kế hoạch dài hạn, huy động các nguồn lực trong xã hội, kết hợp với nguồn ngân sách hỗ trợ khi cần thiết.
Nên chăng thành phố lập một nguồn quỹ dành riêng cho công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, thiệt thòi, khuyết tật để hỗ trợ đối với trẻ bất hạnh khi nuôi dạy tại cộng đồng. Việc nuôi dưỡng tập trung chỉ dành cho những đối tượng đặc biệt, như mồ côi, khuyết tật, không nơi nương tựa. Có như vậy, trẻ em thiệt thòi mới được bảo đảm nuôi dưỡng, chăm sóc tốt và trưởng thành toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn, trí tuệ và trở thành người có ích cho xã hội.
PHƯƠNG TRÀ