.
Chuyện cuối tuần

Nghĩ về chữ "tháo gỡ"

.

Mấy ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao về việc Công an huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án “quán cà-phê Xin Chào” của ông Nguyễn Văn Tấn do chưa có các loại giấy phép theo đúng quy định. Dù biện minh thế nào đi nữa thì việc làm của Công an huyện Bình Chánh là sự can thiệp không cần thiết và quá sâu vào chuyện hoạt động kinh doanh của người dân; thậm chí người dân có quyền suy diễn về việc làm đó của Công an huyện Bình Chánh hàm chứa những động cơ không trong sáng khác.

Ví dụ đó cũng đặt lại vấn đề “rào cản” lớn nhất cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội nước ta hiện nay mà cả người dân và cơ quan công quyền đều nhận thấy chính là “rào cản” bởi các thủ tục hành chính còn quá  nhiêu khê – mặc dù đã có những cải thiện đáng kể; và bên cạnh đó là sự tắc trách ở nhiều khía cạnh của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thi hành nhiệm vụ.

Thời gian gần đây, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi vì sao Đà Nẵng có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)... liên tục dẫn đầu hoặc nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước mà việc kêu gọi đầu tư nước ngoài lại không suôn sẻ, thậm chí là tụt hậu so với các địa phương bạn trong khu vực.

Khi trao đổi trên một tờ báo điện tử mới đây về tình hình nói trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thừa nhận: “Tôi biết một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở vẫn còn gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Chính tôi đã mời lên Thành ủy gặp và nghiêm khắc cảnh cáo một số trường hợp cụ thể. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chấn chỉnh, quyết tâm lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Mọi hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây khó dễ của bất cứ cán bộ, công chức, viên chức nào nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm để làm gương, thậm chí sẽ xem xét cách chức và buộc thôi việc!”.

Như vậy, chính sự gây phiền hà, nhũng nhiễu của một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức lại gây phiền hà lớn, làm cho môi trường đầu tư ở thành phố Đà Nẵng không thực sự hấp dẫn, có thể gây nản lòng nhà đầu tư khi họ tiếp cận các danh mục cũng như thăm dò để triển khai dự án.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nêu ra quyết tâm là bằng mọi biện pháp, thậm chí có những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn những “rào cản” trong hoạt động sản xuất-kinh doanh-đầu tư của thành phố.

Ai cũng biết rằng, để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, ngay sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, một trong những ưu tiên hàng đầu Chính phủ là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế hoạt động sản xuất-kinh doanh. Ngày 21-4, khi làm việc với Bộ kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Tinh thần lớn là tập trung hoàn thiện thể chể, gỡ bỏ ngay các rào cản để phát triển”.

Bởi vậy, chữ “tháo gỡ” nên được hiểu là cùng chia sẻ, cùng bàn bạc để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất, thuận lợi nhất cho một vấn đề nào đó đang nảy sinh trong cuộc sống đặt ra. Vì trong đời sống xã hội luôn luôn có những vấn đề nảy sinh, nếu không kịp thời nắm bắt, xử lý thì tự thân nó sẽ là một “rào cản” mới hình thành. Nếu chúng ta cứ gỡ bỏ “rào cản” này lại tạo dựng “rào cản” khác, hay dùng các biện pháp hành chính không phù hợp, thậm chí là sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp thì không thể tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh được.

Chúng ta đã và đang hướng đến một chính quyền “vì dân, do dân” thì các chủ trương, chính sách và pháp luật đều phục vụ cho mục tiêu đó. Đội ngũ cán bộ, công chức không thể có sự “chỉ trỏ” này nọ cho người dân, cho doanh nghiệp, mà phải tận tâm hướng dẫn, giải thích, cùng tham gia giải quyết với tinh thần cầu thị, đầy trách nhiệm, để công việc được thông suốt, người dân và doanh nghiệp được hài lòng. Như vậy mới thực sự “tháo gỡ” để cùng phát triển.

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.