.

Không hoàn thành cũng… chẳng sao

.

Cuối cùng thì điều không mong muốn cũng xảy đến: Zika đã vào Việt Nam. Tuy nhiên, là một trong số ít các địa phương chủ động phối hợp cùng Bộ Y tế thực hiện các biện pháp ứng phó với Zika từ sớm so với cả nước, nên có thể nói Đà Nẵng không bị động trước tình hình chống Zika.

Có điều, đã chủ động phòng bệnh, nhưng bệnh có phòng được hay không lại phụ thuộc vào… hên - xui, thì có lẽ cần bàn lại tính hiệu quả của các “phong trào” phòng dịch.

Cách đây đúng nửa tháng (ngày 19-3), khi Zika còn là câu chuyện của thế giới và chưa có ca nghi nhiễm tại Việt Nam, Đà Nẵng đã rất chủ động thực hiện việc ký cam kết giữa các quận, huyện nhằm “bắt tay” nhau cùng diệt muỗi, lăng quăng, tức diệt trung gian truyền Zika và sốt xuất huyết.

Thời điểm bấy giờ, Đà Nẵng là địa phương thứ hai trên cả nước, chỉ tiếp sau thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình phát động này. Buổi cam kết có sự góp mặt của lãnh đạo chủ chốt các quận, huyện và có sự chứng kiến của Bộ Y tế. Mục tiêu của cam kết là lãnh đạo các địa phương cùng “hứa” sẽ sâu sát, chỉ đạo phường, xã và nhân dân tự diệt lăng quăng và diệt muỗi, đẩy lùi sốt xuất huyết, hạn chế véc-tơ truyền Zika.

Diệt muỗi không còn là phong trào mới mẻ, bởi sốt xuất huyết hoành hành bao năm qua và các cuộc “ra quân” hoặc các “chiến dịch” tương tự như vậy đã từng được tổ chức nhiều lần. Nhưng lần này cũng như bao lần đi… diệt muỗi khác, khí thế sôi nổi chỉ rộn ràng trong một vài thời điểm hoặc một vài khu dân cư; còn lại sau đó, mọi chuyện sẽ trở về như cũ: muỗi vẫn nhiều, lăng quăng vẫn đầy!

Sau nhiều cuộc “ra quân” và cả buổi cam kết vừa qua, toàn thành phố vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần. Từ đầu năm đến nay đã có 1.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp… 26 lần cùng kỳ năm trước. Tuần vừa qua, thành phố có 45 ca mắc, giảm 17 ca so với tuần trước đó, song xét tổng thể thì tình hình dịch vẫn chưa thể yên tâm.

Chính những người tham dự buổi ký cam kết vừa qua chia sẻ rằng, sau buổi lễ “hoành tráng” ấy, hình như cuộc ký kết chưa “vươn” tới khu dân cư nơi họ sinh sống. Phải chăng vì khu phố và làng xóm nơi đó quá sạch để phải “động đậy” chuyện diệt muỗi? Hay chính quyền cam kết nhưng “chưa kịp” thực hiện đến tận nơi?

Đáng nói hơn, với câu hỏi: Cam kết như vậy nhưng nếu không thực hiện cam kết thì sao? Câu trả lời nhận được là… chưa biết sao cả! Cam kết để ràng buộc trách nhiệm, nhưng không thực hiện hoặc không hoàn thành trách nhiệm thì chẳng sao?!

Điều 11, Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban chỉ đạo chống dịch…

Tiếc là, quy định này chỉ được nhắc lại khi người ta bỗng dưng nhớ ra hình như có một khung phạt nào đó liên quan đến chuyện phòng chống dịch. Còn từ trước đến nay, chưa có một tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt hành chính vì “hứa” phòng chống dịch nhưng không thực hiện lời hứa đến nơi đến chốn.

Cứ cái đà muỗi không giảm, lăng quăng không hết, dịch cứ lên xuống thất thường, Zika có bùng phát hay không còn chờ may rủi, liệu có ai bị xử phạt vì không hoàn thành cam kết?

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.