Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng vừa đề nghị các ngành chức năng mời tất cả các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đến nghe nói chuyện về chất cấm. Nói đến “chất cấm”, nhiều người tỏ ra kinh sợ vì nghĩ tới độ độc hại của chúng đối với sức khỏe con người, nhưng chất cấm là gì thì không ít người còn mơ hồ: chất cấm là… chất bị cấm!
Chuyện bà bán măng 10, 20 năm sống với nghề này vẫn chẳng mảy may hay biết cái thứ vàng vàng đẹp mắt nhuộm vào măng ấy cực độc đối với cái ruột của người ăn phải chúng là một ví dụ. Vì vậy, không hẳn muốn cấm sử dụng chất cấm là chỉ việc… đi cấm, mà trước hết phải giúp người làm ăn liên quan đến lĩnh vực thực phẩm phân biệt cái nào được sử dụng, cái nào cấm sử dụng, vì những lý do gì. Biết rồi, chắc rồi, mà vẫn vi phạm thì không có gì phải lăn tăn trong xử phạt.
Tuy vậy, cấm tiêu thụ, sử dụng chất cấm vẫn chưa đủ nếu xuất phát điểm, cái gốc của chất cấm chưa được kiểm soát chặt. Rất nhiều loại chất cấm hiện nay có mặt trên thị trường mà ngay cả việc định danh chúng, cơ quan chức năng cũng bó tay. Thậm chí, có nhiều loại là chất tổng hợp, nghĩa là trong nó chứa nhiều chất cấm khác, nhưng không tên, không hiệu, nên càng khó biết đường nào mà lần.
Bất lực trước nguồn gốc chất cấm đã đành, nhưng đáng nói và đáng tiếc hơn cả là đến quá trình lưu thông, tức khi chất cấm đã nằm trong chuỗi quản lý thuộc tầm tay của ngành chức năng, chúng lại bị “cắt khúc” nên càng khiến việc quản lý khó khăn hơn bao giờ hết. Chất cấm vì thế càng có cơ hội nhởn nhơ tồn tại.
Khi chúng tôi phản ánh đường “siêu ngọt”, phẩm “siêu màu” không nhãn mác nhan nhản tại các chợ, ngành Y tế cho rằng, “món” này thuộc phần quản lý của Công thương. Điều này không sai, bởi về mặt phân cấp quản lý, cái gì nằm trong chợ thì thuộc “anh” Công thương.
Song, nói vậy cũng không đúng, bởi cũng xét theo phân cấp mặt hàng quản lý, “món” phụ gia thuộc phần “chị” Y tế. Ngay tại cuộc họp bàn kế hoạch thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm vừa mới diễn ra, chuyện “ai” nào là “chủ xị” đi kiểm tra các chợ cũng hao tốn hết mấy phút nghiên cứu.
Hễ rau, củ, quả, cá, thịt, nói chung đồ tươi sống là do “anh” Nông nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng. Có điều, vì đồ tươi sống đó nằm trong chợ, nên có lẽ bổn phận của “anh” Công thương nặng nề hơn. Tóm lại, chất cấm có trong thực phẩm tươi sống trong chợ thì ai lo? Mỗi bên một chút?
Rõ ràng, các nhà quản lý đã tự “trói tay” mình và “trói tay” nhau trong kiểm soát chất cấm. Vừa phân theo món hàng (mỗi ngành quản lý một số mặt hàng khác nhau), vừa phân theo địa điểm, kiểu như tôi quản lý chợ, anh quản lý bếp; vừa phân theo quy mô - tôi quản lý cái to, anh quản lý cái nhỏ, nên chất cấm cứ thế lèn lách trong từng món ăn. Hậu quả là “cha chung không ai khóc”.
THU HOA