Thời sự và bàn luận
Người Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà
Năm 1980, bán đảo Sơn Trà được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới mưa ẩm nguyên sinh và được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia. Trong chiến tranh và cả một thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc, hầu hết diện tích của bán đảo Sơn Trà vẫn được xem là khu quân sự phục vụ cho mục đích quốc phòng, cho nên nhìn chung sự đa dạng sinh học ở bán đảo này còn được/càng được bảo tồn đúng mức.
Sơn Trà là một bán đảo được xem là độc nhất vô nhị ở nước ta, bởi vậy ở đây không chỉ đơn giản là kết hợp kinh tế với quốc phòng mà cần kết hợp cả ba: kinh tế - quốc phòng - bảo tồn thiên nhiên, trong đó quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên phải được xem là cốt lõi. Trong quá trình bảo tồn sự đa dạng sinh học của Sơn Trà, bán đảo này đang đứng trước nguy cơ cả hệ thực vật lẫn hệ động vật đều bị xâm hại.
Hiện nay hệ thực vật Sơn Trà đã xuất hiện phổ biến nhiều loài thực vật ưa sáng thuộc các họ cà-phê, cam, trôm, mua, đay... chứng tỏ hệ thực vật Sơn Trà đang bị tác động mạnh theo chiều hướng xấu. Đặc biệt bị tác động mạnh theo chiều hướng xấu ở nơi đây là hệ động vật.
Những năm chiến tranh, người Mỹ từng gọi bán đảo Sơn Trà là Monkey Mountain/Núi Khỉ, bởi trong hơn một trăm loài động vật với hàng chục loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ cần bảo tồn của thế giới, khỉ chiếm một vị trí đáng kể về số lượng và về mức độ quý hiếm, mà quý hiếm nhất là Voọc chà vá chân nâu - loài linh trưởng đặc hữu của cả Đông Dương chỉ phân bố dọc dãy Trường Sơn, trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào với miền Trung Việt Nam và một vùng nhỏ ở đông bắc Campuchia.
Đáng chú ý là hiện nay mật độ quẩn thể Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được xem như cao nhất trên thế giới. Vậy mà cách đây không lâu đã xảy ra sự cố xâm hại rừng cấm quốc gia Sơn Trà - cũng là xâm hại môi trường sống tĩnh lặng của Vọoc chà vá chân nâu - khiến năm 2016 loài linh trưởng này có khả năng sẽ bị Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên, xếp hạng trong Sách đỏ ở mức Cực kỳ nguy cấp.
Chính vì thế mà nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22 tháng 5 năm nay, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật và các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Cộng đồng Đà Nẵng chung tay bảo vệ voọc ở bán đảo Sơn Trà” và triển lãm ảnh “Đời sống của Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà” mở cửa từ ngày 17 tháng 5.
Tại cuộc tọa đàm rất có ý nghĩa này, các nhà khoa học đến từ Hà Nội và các đại biểu người Đà Nẵng chủ ý không bàn chuyện vì sao phải bảo vệ/bảo tồn Vọoc chà vá chân nâu. Không phải chuyện đó không đáng bàn và mặc dầu từng được bàn nhiều nhưng đâu phải mọi thứ đã ngã ngũ, có điều do áp lực thời gian, cuộc tọa đàm chỉ có thể tập trung bàn về chuyện làm cách gì/ trước mắt làm thế nào/ lâu dài làm ra sao để cộng đồng Đà Nẵng có thể chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và cho Voọc chà vá chân nâu nói riêng nhằm góp phần trả lại ngôi-nhà-rừng-thân-thuộc-an-bình cho loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm này tại bán đảo Sơn Trà.
Trước hết vẫn là giải pháp truyền thông. Công cụ truyền thông có hiệu quả nhất là các phim thời sự truyền hình và các hình ảnh truyền thông trực quan trên đường phố/nơi công cộng. Nội dung truyền thông cần chú ý kích hoạt lòng tự hào về Đà Nẵng thông qua ý tưởng vinh danh Voọc chà vá chân nâu thành biểu tượng mới của một Đà Nẵng - thành phố môi trường.
Một số đại biểu cho rằng việc lấy hình ảnh một con vật làm biểu tượng khá phổ biến trên thế giới, chẳng hạn như gấu trúc của Trung Quốc, chuột túi/kangaroo của Australia, chim kiwi của New Zealand… Không nói đâu xa, những năm qua Bà Nà Hills đã rất thành công trong việc quảng bá ý tưởng vinh danh Đào chuông thành biểu tượng mới của một Đà Nẵng - thành phố du lịch sinh thái.
Nên chăng tại kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân quận Sơn Trà và Hội đồng nhân dân phường Thọ Quang nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu dân cử mới được bầu có thể thông qua một nội dung nghị quyết chấp thuận đưa Vọoc chà vá chân nâu thành biểu tượng mới của một Đà Nẵng. Nếu được như thế sẽ tạo thêm sức mạnh của truyền thông và quan trọng hơn là sẽ kịp thời có hình thức truyền thông phù hợp về biểu tượng Voọc chà vá chân nâu tại các sự kiện quốc tế lớn tổ chức tại Đà Nẵng trong thời gian tới như Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển M.I.C.E Đà Nẵng 2016.
Thứ hai là giải pháp thực thi pháp luật nhằm nghiêm trị những hành vi xâm hại môi trường sống của Voọc chà vá chân nâu, trước mắt cần sớm đưa ra xét xử công khai hành vi phá rừng Sơn Trà nghiêm trọng hồi đầu năm nay.
Cũng cần tạo nên sức mạnh của dư luận phê phán những hành vi xâm hại môi trường sống của Voọc chà vá chân nâu, nói cách khác cần tận dụng sức mạnh và sự đồng hành của đạo đức xã hội, của lương tâm con người trong quản lý thành phố bằng pháp luật. Quyền lực ngoài pháp luật tích cực là quyền lực của đạo đức xã hội, của lương tâm con người. Vô cảm với sự thống khổ và bất hạnh của người khác có thể không phạm luật nhưng có khi lại là trái lương tâm.
Đồng lõa với cái ác/cái xấu có thể không phạm luật nhưng có khi lại là vô đạo đức. Và nỗi khổ dằn vặt của ăn năn/hối hận có khi làm cho con người đau đớn hơn là sự trừng phạt của pháp luật. Về lâu dài, muốn phát huy sức mạnh của quyền lực pháp luật và quyền lực ngoài pháp luật tích cực, cần nâng cao hiệu quả giáo dục công dân trong trường học, trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, sống thân thiện với tự nhiên, đi đôi với ý thức thượng tôn pháp luật đối với thế hệ trẻ-chủ nhân tương lai của vùng đất này.
Thứ ba, xin nói thêm về hai chữ cộng đồng trong cuộc tọa đàm “Cộng đồng Đà Nẵng chung tay bảo vệ voọc ở bán đảo Sơn Trà”. Cộng đồng Đà Nẵng ở đây được hiểu là mọi người Đà Nẵng - công việc bảo vệ các động vật hoang dã rất cần sự hợp lực của cả cộng đồng, đơn độc một vài người/một vài ngành/một vài địa phương không thể bảo vệ được. Nhưng cần cảnh giác với hai chữ cộng đồng này, bởi ông cha xưa vẫn thường nhắc nhở con cháu coi chừng cảnh cha chung không ai khóc, cộng đồng là mọi người nhưng nếu không xác định rõ trách nhiệm của từng người/từng ngành/từng địa phương thì rốt cuộc sẽ không có ai làm gì cả.
Và công cuộc bảo vệ các động vật hoang dã - trong đó có Voọc chà vá chân nâu - không chỉ rất cần sự hợp lực của cả cộng đồng mà còn phải đặt công cuộc này/sứ mệnh này trong toàn bộ công cuộc/sứ mệnh quản lý hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Như đã nói trên, muốn quản lý hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, cần kết hợp đồng bộ cả ba yếu tố kinh tế - quốc phòng - bảo tồn thiên nhiên, trong đó quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên phải được xem là cốt lõi, chính vì thế trước mắt cần giữ nguyên trạng kết cấu hạ tầng như hiện nay, không mở thêm đường lên núi, không xây thêm nhà cửa/biệt thự/lâu đài; giám sát chặt chẽ và chủ động tổ chức theo các hình thức tham quan đặc thù đối với những du khách có nhu cầu tiếp cận Voọc chà vá chân nâu.
Nếu không thế thì như ý kiến của một đại biểu nêu tại cuộc tọa đàm, càng quảng bá hình ảnh của loài linh trưởng quý hiếm này, càng đẩy chúng đến gần nguy cơ tuyệt chủng do những hành động vô ý thức của một bộ phận người tham quan, thậm chí sẽ tái diễn vụ án kẻ xấu vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà dựng lán đặt bẫy, săn bắn và giết chết Voọc chà vá chân nâu hồi tháng 3 năm ngoái…
Cần thấy rằng nếu người Đà Nẵng không quản lý được Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, không bảo vệ được Voọc chà vá chân nâu một cách có hiệu quả thì đó sẽ là một tổn thất không gì bù đắp nổi và Đà Nẵng khó lòng được thiên hạ vinh danh là thành phố môi trường, là thành phố văn minh và phát triển bền vững.
Bùi Văn Tiếng