Thời sự và bàn luận
Không việc gì phải sợ!
Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 5-5-2016 có bài “Doanh nghiệp Việt sợ gì?” đã liệt kê một loạt nỗi sợ hãi mà doanh nghiệp thường xuyên phải đối đầu (1) Chiến tranh, (2) Nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn lên, (3) Chính sách của Nhà nước, (4) Thủ tục và sự nhũng nhiễu, (5) Các nỗi sợ khác (ví dụ: sợ hoàn thuế/ sợ hàng hóa không thông quan/ sợ đột quỵ/ sợ đổ vỡ gia đình…). Cuối cùng bài báo kết luận “Làm doanh nhân không phải khó, mà là rất khó!”.
Thực ra, những nỗi sợ nói trên đều có nguyên nhân, đôi khi có lý, hầu như mỗi doanh nghiệp đều đã từng trải nghiệm qua thực tiễn lăn lộn kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì chúng ta dễ rơi vào một trạng thái bi kịch khác bởi thái độ bi quan, tâm lý bôi đen mọi việc, đổ lỗi cho khách quan, mà không thấy rằng tư duy chủ quan là rất quan trọng, mọi việc đều có thể giải quyết được nếu bình tĩnh xét đoán từng câu hỏi: (1) mình đang đứng ở đâu, (2) đang suy nghĩ và làm gì, (3) nên hiểu và hành động như thế nào?
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ doanh nhân, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định doanh nghiệp/ doanh nhân chính là động lực trực tiếp, là lực lượng đi đầu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nếu để hàng loạt những nỗi sợ nói trên bao trùm cả tư duy và hành động của chúng ta, âu phải chăng đó là tai họa cho cả đất nước và dân tộc?
Câu chuyện ở đây không phải là cảnh báo, hoặc bác bỏ những nỗi sợ; điều quan trọng là cần vượt qua, vượt lên trên nó, thậm chí hoàn toàn không chủ quan, liều lĩnh khi mạnh dạn phát biểu “Không việc gì phải sợ!”. Trong thành phần nội các mới của Chính phủ, được dư luận đánh giá là “chính phủ hành động”, có một số bộ trưởng đầu ngành chủ chốt thể hiện quyết tâm rất rõ khi nói về cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mang lại một luồng gió mới cho không khí cải cách.
Vấn đề không nằm ở tuyên bố này nọ, hoặc chỉnh sửa một vài nội dung chính sách đang vướng mắc, điều cần thiết nhất phải thấy rằng Chính phủ + doanh nghiệp + người dân đang đồng hành trên một con thuyền, nếu không vững tay chèo lái, vượt qua sóng gió hội nhập thì nguy cơ tất cả sẽ là số không.
Gần đây dư luận xôn xao về vụ thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam của các tập đoàn Thái Lan. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã tự sai lầm, tự thua trên sân nhà… Tuy nhiên, nên thừa nhận đó là kết quả tất yếu của hội nhập, không thể cưỡng lại, buộc phải chấp nhận đối mặt. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, hệ thống siêu thị mạnh nhất nước Mỹ và toàn thế giới (WalMart) đã từng có ý định chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc nhưng chỉ qua vài năm họ buộc phải bán lại siêu thị và rút lui “không kèn không trống”.
Vũ khí đắc lực nhất của người Hàn Quốc để đối chọi với nỗi sợ hãi bị thôn tính đó là: (1) sự kiên định và sáng suốt của Chính phủ, (2) sự cạnh tranh bứt phá vươn lên đỉnh cao thế giới của các doanh nghiệp, (3) sự ủng hộ hết mình của đa số người tiêu dùng luôn đề cao lòng tự tôn dân tộc. Bí quyết này hoàn toàn không mới, cũng không quá khó, nhưng trong thực tế lại không được chủ động dung nạp trong bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam. Lý do vì thể chế hay vì con người?
Nhà triết học Hê-ghen từng phát biểu “Tất cả cái gì là hiện thực đều là hợp lý và tất cả những gì hợp lý đều là tồn tại”. Suy ra, rốt cuộc chỉ có những gì tồn tại lâu dài trên cuộc đời này mới được xem là nội dung bản chất của sự việc. Hiểu theo nghĩa này thì hàng loạt những nỗi sợ được liệt kê ở trên chỉ nên quan niệm nó ở tầm mức là hiện thực/ hiện tượng cần lưu ý, cần cảnh tỉnh, chứ không phải là cái quyết định để chúng ta tồn tại/ hay không tồn tại. Cách thức duy nhất là phải thấu hiểu được nỗi sợ và chủ động vượt qua thì khi đó doanh nghiệp nói riêng, đất nước nói chung, mới trở nên là chính mình!
Tâm Dân