Thời sự và bàn luận
Chạm lòng tự trọng
“Trước đây, tôi nghe nhiều người nói, hải quan sân bay Đà Nẵng rất đàng hoàng và dễ chịu nhất nên tôi chọn nơi đây để mua vé máy bay. Và nhất là tôi đã đọc báo nghe chính quyền thành phố Đà Nẵng tuyên bố là thành phố này không hề có bóng tham nhũng. Thế thì hành động của hai vị cán bộ hải quan sân bay quốc tế này là gì? Phải chăng là “xin đểu”? Nếu lương họ không đủ sống phải đi xin thì chính quyền thành phố Đà Nẵng nên coi lại cách trả lương cho họ để họ đừng làm xấu cho thành phố Đà Nẵng, nơi mà người ta bình chọn là thành phố đáng sống nhất của nước Việt Nam. Còn nếu không thì nên rèn luyện lại tư cách đạo đức của những con người đang đứng nơi giao tiếp với toàn thế giới”.
Dòng trạng thái trên của một hành khách từ nước ngoài về qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng thể hiện sự bức xúc trước việc nhân viên Hải quan của sân bay này làm khó dễ khi kiểm tra hàng hóa để được “bồi dưỡng” 200.000 đồng, rồi lại “xin thêm” chừng ấy nữa cho đồng nghiệp, đã làm nóng mạng xã hội và báo chí trong cả 10 ngày nay.
Chạm lòng tự trọng, Chi cục trưởng Hải quan Sân bay quốc tế Đà Nẵng Phạm Duy Nhất ngay lập tức gửi lời xin lỗi và nhanh chóng kiểm tra, xử lý những nhân viên được nêu đích danh trong vụ việc.
Dĩ nhiên, trong dòng trạng thái đầy bức xúc của hành khách nọ chưa thể hiện đúng việc quản lý ngành và trả lương; bởi, theo quy định, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trực thuộc Tổng cục Hải quan, thuộc Bộ Tài chính, có chức năng thực hiện pháp luật về Hải quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Đà Nẵng trực thuộc đơn vị này.
Thế nhưng, điều quan trọng chính là niềm tin về “thương hiệu Đà Nẵng” ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những cán bộ, nhân viên thiếu cái “tâm” như vậy.
Vì vậy, bị chạm lòng tự trọng, trong Hội nghị Thành ủy lần thứ 5 (mở rộng) diễn ra tuần này, lãnh đạo thành phố đưa vụ việc trên ra đánh giá nghiêm túc; yêu cầu lãnh đạo ngành Hải quan thành phố tiến hành xử lý đến nơi, đến chốn những cán bộ, công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp - chứ chưa nói đến việc vi phạm pháp luật. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định: “Dù biểu hiện nhũng nhiễu không lớn về mặt giá trị nhưng ảnh hưởng ghê gớm đến hình ảnh của thành phố, phải xử lý mạnh tay để làm sao cán bộ Hải quan không dám tham nhũng”.
Điều này là đúng, bởi Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 29-CT/TU với nội dung “5 xây”, “3 chống” một cách cụ thể; trong đó có “chống tiêu cực”. Đặc biệt, ngay trong chính ngành Hải quan, cũng đã xây dựng phương châm hành động “chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả”.
Việc cần xử lý “mạnh tay” là đúng, bởi dù có vòi vĩnh bao nhiêu, thì nó cũng đã chạm đến lòng tự trọng của cán bộ, nhân viên không chỉ của ngành Hải quan Đà Nẵng, mà của những cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc một cách có trách nhiệm và luôn nêu cao đạo đức công vụ của Đà Nẵng - những người luôn ý thức trong việc gầy dựng và bảo vệ thương hiệu Đà Nẵng từng bước đi vào lòng người.
Chỉ đạo là vậy, tính chất vụ việc là vậy; nhưng xem ra việc xử lý không chắc là đến nơi đến chốn. Bởi như giải thích của vị đứng đầu ngành Hải quan Đà Nẵng tại Hội nghị Thành ủy: “Qua trích xuất hình ảnh từ camera thì chưa đủ cơ sở để khẳng định công chức sai phạm. Từ lúc chị này cùng hai cán bộ vào phòng kiểm tra chỉ diễn ra đúng 1 phút 38 giây”; khi xử lý thì “anh em phản ứng dữ lắm vì chưa có căn cứ cụ thể mà đã xử lý”.
Chạm lòng tự trọng, không chỉ anh em trong ngành, lãnh đạo thành phố mà nhiều người dân cũng đang chờ một cách xử lý thỏa đáng từ vụ việc này!
ANH QUÂN