Thời sự và bàn luận

Lựa chọn chiến lược

08:27, 04/07/2016 (GMT+7)

Đà Nẵng, hôm nay ai bước ra đường hầu như cũng bắt gặp từng đoàn xe đưa đón khách tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát… đua nhau mọc lên ngày càng nhiều.

Cuộc sống sôi động cả ngày lẫn đêm khuya, xóa đi cái cảnh cứ đến 9 giờ đêm là thành phố dường chìm vào giấc ngủ của một thời. Có vẻ như “công nghệ du lịch” mang tính hưởng thụ/giải trí đang nở rộ. Cùng với xu thế này là định hướng quy hoạch, các nguồn lực đất đai, tài nguyên, tài chính, nhân lực… đang tập trung để phục vụ.

Tuy nhiên, như nhận định của nhiều chuyên gia, cách thức phát triển như vậy là cần nhưng chưa đủ. Về lâu dài chắc chắn sẽ bị hụt hơi. Một thực tế là hiện nay, người dân sở tại, kể cả du khách trong và ngoài nước đến đây vẫn chưa được hưởng thụ những tiện ích thật sự hoàn hảo, mang tầm đẳng cấp quốc tế.

Ví dụ, dịch vụ khám chữa bệnh, có những trường hợp không đến nỗi quá phức tạp nhưng bệnh nhân vẫn phải ra Hà Nội, Huế, vào thành phố Hồ Chí Minh… Một số cơ sở y tế khi xây cất thì hoành tráng nhưng công năng sử dụng chỉ mới dừng ở mức “dưỡng bệnh” chứ không phải là nơi thực sự khám chữa bệnh đạt yêu cầu. Môi trường giáo dục - đào tạo vẫn còn manh mún, phân tán, chưa xứng tầm là trung tâm của khu vực. Đã từng có một làng đại học quy mô lớn đưa vào quy hoạch cách đây hàng chục năm nhưng mãi đến bây giờ vẫn “án binh bất động”. Như vậy, thử hỏi làm sao có thể kiến tạo nên những nền tảng mà chúng ta đang rất thiếu và rất cần, đó là sức khỏe, trí tuệ, nhân tài, khoa học-công nghệ, tạo ra động lực cạnh tranh, hội nhập một cách bền vững?

Cách phát triển như hiện tại chỉ giải quyết được một phần nhu cầu, lợi ích trước mắt. Về mặt dài hạn sẽ dẫn đến mất cân đối trong phân phối sử dụng nguồn lực. Nếu Đà Nẵng đã tự khẳng định là một thành phố đáng sống, một địa chỉ du lịch nhiều tiềm năng, một nơi làm giàu chủ yếu từ dịch vụ và chất xám, thì cũng nên sớm xác định và lựa chọn đúng định hướng đầu tư chiến lược, mang tính đột phá trên ba trụ cột then chốt : Y tế/Giáo dục-đào tạo/Khoa học-công nghệ. Điều quan trọng là cần phải kiên trì, kiên quyết theo đuổi mục tiêu này, không bị giới hạn bởi tư duy nhiệm kỳ, không chạy theo bất kỳ lợi ích nhóm nào, phải vì lợi ích sống còn của rất nhiều thế hệ tương lai.

Tập trung phát triển ba lĩnh vực then chốt trên chính là “chìa khóa vàng” để xác lập nền tảng vững chắc cho cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Trong đó cần lưu ý: (1) Quy hoạch hóa chuẩn mực. Cần lựa chọn đúng ngành nghề đột phá. Có cơ chế kích thích mạnh mẽ quá trình khởi nghiệp và thu hút đầu tư để phục vụ quy hoạch đã xác định, (2) Dịch vụ hóa mọi nguồn lực.

Phải quán triệt phương châm “đầu tư để tái đầu tư hiệu quả hơn”, góp phần nuôi dưỡng tái tạo nguồn lực, tài nguyên, mở mang kinh doanh, tiếp tục phát triển chứ không đầu tư bằng mọi giá để gánh lấy ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên. (3) Xã hội hóa, thúc đẩy tư nhân hóa. Xem đây là con đường hiệu quả nhất để nhanh chóng huy động các nguồn lực tài chính, nâng tầm quản trị, du nhập nhân lực trình độ cao, đẳng cấp quốc tế, xây dựng các mô hình tiên tiến nhằm thúc đẩy động lực cạnh tranh phát triển.

Tâm Dân

.