Thời sự và bàn luận
Xe buýt - Cần giải pháp đột phá
Tôi muốn/cần đi xe buýt? Đây là câu hỏi lớn do người dân và du khách đang đặt ra cho các cơ quan chức năng của Đà Nẵng về giao thông công chính. Hỏi nhưng thật ra không dễ trả lời. Bởi lẽ, kể từ ngày khai trương 11 tuyến xe buýt nội thành cho đến nay tuy đã hơn 2 tháng nhưng hiệu quả ban đầu chưa mấy khả quan. Mặc dù áp cơ chế miễn phí thời gian đầu, sau đó trợ giá, nhưng người dân tiếp cận với xe buýt còn ít.
Thực tế nói trên cho thấy khi đặt ra bài toán giải quyết chiến lược giao thông đô thị cần có tầm nhìn và giải pháp toàn diện. Thiếu khảo sát kỹ, làm không đến nơi đến chốn, hoặc không kịp thời điều chỉnh các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thì cầm chắc khó mang lại hiệu quả.
Người dân khi có nhu cầu đi xe buýt, trước hết cần hai điều kiện tối thiểu: Định vị được sơ đồ lộ trình và thời gian đón/trả khách. Những nội dung thông tin cần thiết về giao thông công cộng cần được số hóa, cập nhật trên mạng để người dân có thể truy cập bất cứ lúc nào.
Trên các bảng biểu hướng dẫn hiện nay tuy có chỉ rõ đường đi nhưng bất tiện ở chỗ không thể biết rõ địa chỉ dừng xe cụ thể. Tuân thủ đúng thời gian là nguyên tắc quan trọng hàng đầu nếu không sẽ lỡ việc của khách, làm nản lòng người đi xe. Ở nước ngoài sai lệch về thời gian này không cho phép quá 1 phút. Cũng cần nói thêm, tuyến xe buýt đi ngoại thành (Tam Kỳ/Hội An...) là điển hình yếu kém về thời gian, đón đỗ khách tùy tiện, không theo lộ trình nào cả, thường xuyên đua vượt tốc độ cho phép, rất nguy hiểm.
Khi xây dựng lộ trình cho xe buýt thì việc đánh giá đúng nhu cầu đi lại của người dân là điểm mấu chốt nhất nhằm tăng hiệu quả khai thác, thông qua đó tạo lập thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Không việc gì cứ cứng nhắc duy trì mãi những cung đường hiện không có hoặc có quá ít nhu cầu.
Trong khi đó những điểm đến thường xuyên của người dân và du khách như trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị, các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí công cộng... lại chưa được quan tâm bố trí hợp lý, đúng mức. Trước mắt cần nghiên cứu áp dụng ngay phương án cấm hoặc thu phí xe máy, ô-tô khi đi vào các khu trung tâm nội đô, khu mua sắm, giải trí… vào các ngày cuối tuần hoặc ngày lễ. Người dân và du khách khi đó chỉ còn lựa chọn duy nhất là đi bộ và đi xe buýt.
Về phía người dân, để hòa nhập với cuộc sống văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa giao thông công cộng, điều kiện tiên quyết là phải tập dượt thói quen đi bộ. Điều này vừa tốt cho sức khỏe, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí và tiếp cận các địa điểm đón khách xe buýt. Đi bộ vài trăm mét hoặc một cây số đường không còn là chuyện lạ đối với những cư dân đô thị nước ngoài, trong khi ở ta lại cho là điều bất tiện? Đã đến lúc các cơ quan chức năng và người dân phải nói đi đôi với làm, nhanh chóng vào cuộc. Như thế mới tạo ra tín hiệu đột phá cho thành phố đáng sống.
Tâm Dân