1. Trong một lần trò chuyện về nghề, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, người có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng chia sẻ, có những kỷ niệm gắn bó với nghề mà ông mãi mãi không quên. Cũng có lúc ông dám đánh cược sự an toàn của vợ con, người thân để làm tròn trách nhiệm với nghề, xứng đáng với sự tin giao của xã hội.
Còn nhớ nhiều năm trước, lần đầu tiên Đà Nẵng ghi nhận một bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 từ chuyến bay nước ngoài đáp xuống sân bay Đà Nẵng, sau khi cùng với đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại sân bay, ông phải đợi thật khuya, lúc vợ con đã ngủ thì mới dám về nhà.
Sau khi tắm rửa sạch sẽ, vứt hẳn bộ áo quần mặc nguyên ngày, ông chọn một góc nhỏ ở… nhà bếp để ngủ. Nửa đêm vợ tỉnh giấc, hoảng hốt. Ông bảo, muốn ngủ một mình cho yên tĩnh. Kỳ thực ông lo sợ cho sự an toàn của vợ, cùng đứa con thơ chỉ mới vài tuổi.
Công tác phòng chống dịch dù quyết liệt đến đâu, nhưng ai bảo đảm rằng không có rủi ro, sơ suất, nhất là những loại dịch bệnh mới lần đầu xuất hiện. Đêm đó có lẽ là một trong rất nhiều đêm nặng nề, dài dằng dặc mà bác sĩ Lãm phải trải qua. Nhưng nếu bị cái tâm lý sợ hãi mang dịch bệnh về nhà ấy chế ngự, lấn át tất cả, hẳn chúng ta sẽ không thấy một người bác sĩ vẫn miệt mài với công việc suốt hàng chục năm qua.
Sẽ không còn những loại dịch bệnh được phát hiện, khống chế kịp thời, trong đó có những dịch bệnh từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được ông phán đoán, kết luận khi người bệnh ra Đà Nẵng điều trị, giúp các địa phương lân cận khoanh vùng, xử lý hiệu quả.
2. Đi dọc hành lang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, hay bất cứ cơ sở y tế nào trên địa bàn thành phố, sẽ bắt gặp nhiều người hớt hải, tay run run cầm trên tay tờ giấy với những chỉ số mà có lúc họ chẳng biết đó là gì.
Bệnh tật, tai ương ập đến, nhiều người đã không đủ bình tĩnh để xử lý tình huống. Chưa kể, trình độ hạn chế, hoàn cảnh khó khăn, người bệnh luôn cảm thấy bối rối, lo sợ. Trong tình thế đó, những nhân viên y tế kịp xuất hiện đã giúp giải tỏa về tâm lý, gỡ khó về bệnh tình.
Và cũng trên những dọc hành lang bệnh viện ấy, có những y, bác sĩ, dù “bọc kín” một màu từ đầu đến chân trong trang phục blouse trắng nhưng cũng kịp lộ ra những đôi mắt đỏ hoe, ngân ngấn nước. Họ bình tĩnh, tự tin khi tiếp nhận, điều trị nhưng lại “đau” với nỗi đau mà người bệnh đang gánh chịu. Chia sẻ nỗi đau với người khác không chỉ là sự nhiệt tâm, tận tụy với nghề mà đôi khi chỉ là những cử chỉ ân cần, những câu hỏi han thân thuộc.
Một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng từng bỏ tiền túi gần một tháng lương để giúp một cụ bà tại tỉnh Quảng Nam bị gãy chân phải nằm điều trị dài ngày nhưng không có người chăm sóc. Cũng có bác sĩ suốt 5 năm nay, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ phải trau dồi, ông kiêm luôn “thủ kho”, suốt ngày vận động, kêu gọi người quen hỗ trợ chỉ để bảo đảm hơn trăm suất ăn miễn phí mỗi ngày cho người bệnh...
Những hành động đó vẫn âm thầm diễn ra giữa cuộc sống xô bồ, hối hả, giữa chốn hành lang bệnh viện - nơi cứ tưởng chỉ có những bước chân vội vã lướt qua nhau.
3. Nghề y luôn được xã hội nhìn nhận dưới nhiều lăng kính khác nhau. Nhưng trên hết là sự trân trọng, biết ơn đối với những nhân viên y tế mang trọng trách chữa bệnh cứu người. Tình trạng bác sĩ bị hành hung xảy ra thời gian qua đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi về đạo đức, văn hóa ứng xử của xã hội hơn là trình độ, y đức của người bác sĩ. Bác sĩ cứu chữa được bao nhiêu người thì cũng được cho là chuyện bình thường, nhưng khi xảy ra chậm trễ hay sự cố y khoa thì chính bác sĩ lại bị lên án gay gắt.
Thực tế, những trăn trở, lo âu với nghề, sự bất lực trước nỗi khổ của người bệnh, hơn ai hết, bác sĩ là những người hiểu rõ nhất. Trong khả năng của mình, họ vẫn luôn quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ bệnh nhân theo cách riêng, và cũng đau khổ, dằn vặt nếu để xảy ra sự cố.
Suy cho cùng, những người mang trên mình áo blouse trắng cũng bình thường như bao người khác; trái tim cũng luôn biết yêu thương, sẻ chia và cả đau đớn; cảm xúc với cuộc sống luôn thốt lên theo lẽ tự nhiên nhất. Điều mà họ mong muốn là làm tròn sứ mệnh y đức, giữ lời thề blouse trắng.
PHAN CHUNG