Bảo đảm trụ cột an sinh xã hội

.

Sự phát triển bền vững của một đất nước được thể hiện rõ qua các chính sách an sinh xã hội, mà ở đó, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) được xem là yếu tố trụ cột. Cải cách chính sách BHXH được đề cập tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) sẽ góp phần quan trọng thực hiện sự tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và đời sống nhân dân.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến năm 2017, tổng số người tham gia BHXH trên cả nước đạt khoảng 13,9 triệu người (trong đó BHXH bắt buộc là 13,6 triệu người; BHXH tự nguyện là 0,3 triệu người). Riêng số lao động trong độ tuổi tham gia BHXH chỉ mới đạt gần 29%, vẫn còn trên 71% chưa tham gia BHXH.

Thực tế này cho thấy, mức độ bao phủ BHXH ở nước ta vẫn còn rất thấp, theo hình thức BHXH đơn tầng với mức trần nhất định.

Đặc trưng này xuất phát từ cơ cấu và thu nhập của người lao động còn thấp và không ổn định, trong khi áp lực chi tiêu trước mắt lớn. Điều này đòi hỏi BHXH phải cải cách, mở rộng bao phủ theo hình thức đa tầng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của người dân hiện nay.

Và nếu thực hiện theo cải cách lần này, hàng triệu người, trong đó có khoảng 6-7 triệu người cao tuổi, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, sẽ được nhận lương hưu từ ngân sách Nhà nước. Khi có nguồn lương hưu cố định, các chế độ sinh hoạt, phúc lợi hằng tháng sẽ được cải thiện, đời sống của một bộ phận người cao tuổi sẽ đỡ chật vật hơn.

Ngoài ra, cải cách chính sách BHXH, trong đó có việc thu hẹp khoảng cách lương hưu cũng là sự điều chỉnh nhằm khắc phục những bất hợp lý trong thời gian qua. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là sự kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ.

Đó chính là sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, giữa thế hệ tham gia BHXH trước đây nay về hưu và thế hệ hiện nay đang tham gia BHXH. Nhờ vậy, chênh lệch về mức lương hưu trong số những người nghỉ hưu được thu hẹp.

Thêm nội dung đáng chú ý của đề án là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một trong các phương án Ban soạn thảo đề xuất là tăng tuổi hưu lên 62 với nam và 60 với nữ.

Khi chính sách tiền lương chưa đủ sống cho người lao động, tăng tuổi hưu là một phương án bảo đảm thu nhập đồng thời bảo đảm an toàn quỹ BHXH - vốn phải cân đối do chính sách đóng ít, đóng ngắn nhưng hưởng nhiều bấy lâu nay.

Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng cao, đồng nghĩa thời gian hưởng lâu, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một giải pháp được cân nhắc nhiều nhất. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều lãnh đạo, chuyên gia và cả người dân, giải pháp này phải tính toán hết sức kỹ lưỡng và thận trọng.

Điều chỉnh tuổi hưu tác động rất lớn đến sự ổn định của xã hội, bao gồm cả mức thu nhập, việc làm, cân bằng giới…

Trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với thực tế đời sống. Sự thay đổi này góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, phát triển và hội nhập quốc tế.

Cải cách chính sách BHXH cũng đồng nghĩa các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính sẽ được quán triệt đầy đủ. Bởi thực tế lâu nay, BHXH bộc lộ quá nhiều hạn chế trong quản lý, vận hành.

Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối, các chính sách bảo hiểm tự nguyện của người lao động quá nặng về giải quyết hậu quả (thất nghiệp) mà chưa chú ý nhiều đến việc phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng này. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, khiến hàng ngàn người lao động bị thiệt thòi.

Trước đó, tại nhiều diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công cũng đã khẳng định, cải cách chính sách BHXH là hết sức cần thiết và không thể trì hoãn nhưng phải được tiến hành thận trọng, linh hoạt và không gây sốc cho quỹ BHXH cũng như việc thụ hưởng của người dân.

Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.