Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc. Đó là một nhân cách đạt đến tầm vóc “dân tộc và thời đại”. Tầm vóc và sự bình dị ấy của Người được lý giải và cắt nghĩa theo nhiều góc độ: nhà tư tưởng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, của thời đại; lãnh tụ của dân tộc, của Đảng cách mạng Việt Nam; chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc; nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới…
Vì lẽ đó, nội dung của việc xây dựng phong cách, tác phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người rất phong phú, nhưng cũng rất cụ thể. Trong đó, xét từ yêu cầu bức bách đang đặt ra về mặt phong cách của người lãnh đạo, quản lý, của đội ngũ đảng viên.
Sinh thời, Hồ Chí Minh đã viết nhiều về tấm gương đạo đức của V.I.Lê-nin, của những người tiền bối. Rèn luyện theo những tấm gương đó, Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc và nhân loại một tấm gương trọn vẹn, “mười phân vẹn mười” của một CON NGƯỜI. Ở con người ấy, nhân cách ấy, đạo đức đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường.
Giờ đây, “giữa lúc vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân định”; “tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bước đầu được ngăn chặn song chưa được đẩy lùi…”, thì tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa nói và làm trở thành tiêu chí quan trọng nhất để thẩm định thật-giả, cũ-mới, bảo thủ-cấp tiến… trong từng tổ chức hay mỗi cá nhân.
Chính vì thế, trong công tác cán bộ, việc xem xét, đánh giá hay tuyển chọn cán bộ, công chức, đảng viên nếu chỉ dựa vào sự tự kiểm điểm, tự khai báo - cho dù có xác nhận của cơ quan chủ quản, là chưa đủ.
Thiết thực hơn, toàn diện hơn, để xem xét, đánh giá trình độ, bản lĩnh, kỹ năng và kết quả hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên thể hiện trong thực tiễn tranh đấu, hiến dâng cho mục tiêu phụng sự lợi ích chung của cộng đồng - dân tộc, đất nước thì người dân, các tầng lớp nhân dân không chỉ có quyền thẩm định (giám sát, đánh giá) mà quan trọng hơn, nâng lên, bổ sung thêm quyền phán định-lựa chọn để tiếp tục trao trọng trách, ủy quyền hay khước từ.
Đương nhiên, khi quyền trên đã được thể chế hóa, nó là kênh khách quan từ phía người dân - lực lượng thụ hưởng để họ có thể kiểm chứng sự “nói và làm” của các “công bộc”.
Một trong những nguy cơ mà Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra trong điều kiện Đảng cầm quyền đó là nguy cơ “không tin dân, xa dân, sợ dân và ghét dân”. Bởi vậy, Người luôn thể hiện một lãnh tụ hết lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân, tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân.
Trên thực tế, mọi chủ trương, chính sách từ Đảng và Chính phủ do Người sáng lập và lãnh đạo đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, luôn luôn dựa vào dân. Người giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để làm tròn trách nhiệm là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Người dạy cán bộ phải gần dân, hiểu tâm lý, nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân - ý kiến của “những người không quan trọng”; không được lên mặt “quan cách mạng”, cậy quyền cậy thế, đè đầu cưỡi cổ dân. Người coi việc phải gánh chức Chủ tịch cũng như việc người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mặt trận.
Người nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân. Ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Chính ham muốn mãnh liệt ấy đã tạo cho Người một ý chí, một nghị lực phi thường để giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Cho đến khi phải từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Người vẫn chỉ là “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Vì thế, đối với đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên ở nước ta hiện nay, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tạo lập, hình thành phương pháp, phong cách, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân; là nêu tấm gương về sự đóng góp công sức mình vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ta “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, Đảng là người khởi xướng và lãnh đạo mọi sự đổi thay, phát triển của đất nước. Để hoàn thành sứ mệnh ấy, trước hết Đảng phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đồng thời, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng tầm “đạo đức, văn minh”.
Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là yêu cầu của sự vận động nội tại của Đảng cầm quyền trong quá trình lãnh đạo cách mạng; là sự nhận diện đúng quy luật vận động, phát triển của Đảng. Đảng phải dự báo được những “kẻ thù” nội sinh và ngoại sinh trong sự vận động, phát triển. Nhờ thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, Đảng mới đủ khả năng vượt qua những thử thách mới, những “kẻ thù mới” như: “kiêu ngạo cộng sản”, “sự dốt nát”, “nạn hối lộ”…
Chỉ có tự đổi mới, tự chỉnh đốn, mạnh dạn cải cách, Đảng mới chiến thắng được các loại “kẻ thù” ấy, mới giữ trọn được niềm tin tuyệt đối của nhân dân, mới loại bỏ được các nguy cơ hủy hoại sự nghiệp của Đảng.
Theo tinh thần đó, ngày nay, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần tham gia có hiệu quả vào việc “…xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động, mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
PGS.TS HỒ TẤN SÁNG